Trước đó vào năm 2013, bệnh nhi N.T.T (SN 2012, thôn Vạn Thành, xã Thăng Long, huyện Nông Cống) được điều trị viêm phổi tại bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống. Thấy điều trị không có tiến triển, gia đình bệnh nhi đã xin bệnh viện được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, phải đến khi cháu bé có biểu hiện tím tái, nguy kịch, bác sĩ tại đây mới đồng ý. Hậu quả là khi ra đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được 10 phút thì cháu bé tử vong.

Quá bức xúc vì cho rằng Bệnh viện cố giữ cháu bé ở lại đến khi cháu bé nguy kịch mới cho chuyển tuyến, gây ra cái chết tức tưởi, hàng trăm người nhà bệnh nhân đã bao vây bệnh viện. Sau đó bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống cũng đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để bồi thường cho gia đình cháu bé.

Hơn 2 năm sau, vào giữa năm 2016, sản phụ Nguyễn Thị Oanh (SN 1976) xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung do ra nhiều máu. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chị Oanh bị ứ niệu phù nề do bị tê liệt hoàn toàn vùng ngày. Khi gia đình đưa bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu mới biết người thân của mình đã bị cắt đứt toàn phần niệu quản trước đó. Phía lãnh đạo bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống đã thừa nhận sai sót này và Phó Giám đốc BV huyện Nông Cống (Thanh Hóa), người trực tiếp phẫu thuật và cắt nhầm niệu quản của sản phụ, đã bị cảnh cáo toàn ngành, đình chỉ phẫu thuật 3 tháng.

Chưa đầy 1 năm sau thì xảy ra trường hợp bệnh Mạch Văn Hà (57 tuổi, xã Công Liêm, huyện Nông Cống). Bệnh nhân này sốc phản vệ lần thứ nhất trong khi truyền đạm ngày 27/3 và đã được kíp trực cấp cứu qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bệnh viện không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mà tiếp tục cho về khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Chỉ sau ít giờ đồng hồ, bệnh nhân lại tiếp tục tái sốc và tử vong sau 30 phút.

vu tu vong khi truyen dam nguoi dan hoang mang
Ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Nông Cống cho biết rất lấy làm tiếc khi bệnh viện liên tiếp để xảy ra rủi ro

Những vụ việc trên đã khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về trình độ cũng như trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ tại đây.

Chị Đỗ Thị Thảo, một người dân huyện Nông Cống cho biết: “Thấy bệnh viện liên tục có những trường hợp rủi ro xảy ra khiến người dân chúng tôi vô cùng hoang mang và lo lắng khi đến đây điều trị. Đành rằng việc xảy ra rủi ro là không ai mong muốn nhưng có quá nhiều vụ xảy ra trong một thời gian ngắn thì cần phải xem xét lại trình độ của đội ngũ y bác sĩ ở đây. Nghề cứu người mà thế này thì còn ai dám đến bệnh viện chữa bệnh nữa”.

Nêu quan điểm về việc, tại sao trong một thời gian ngắn nhưng bệnh viện liên tiếp để xảy ra rủi ro, ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống cho biết: “Chúng tôi cũng rất đau buồn khi để xảy ra những việc trên, tuy nhiên tai biến y khoa thì ở đâu cũng có, đều là những tai nạn đáng tiếc và không mong muốn. Chúng tôi chỉ mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của mọi người”.

Cũng theo ông Khanh thì trong các vụ việc, đội ngũ y bác sĩ cũng đã làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng quy trình.

Được biết, Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống có tổng 175 cán bộ y bác sĩ, tuy nhiên số bác sĩ trong biên chế chỉ hơn 20 người.