Vụ tàu cá vỏ thép: Tạm dừng hợp đồng mới đối với 2 doanh nghiệp
Sáng nay (9/6), tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt cho 1.948 hồ sơ đủ điều kiện được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá. Đến nay, tổng số tàu cá đã và đang đóng mới là 671 chiếc, trong đó có 297 tàu vỏ thép, chiếm gần 45%.
Tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định mới đưa vào sử dụng đã phải nằm bờ vì máy hư hỏng, vỏ rỉ sét. |
Trong số các tàu cá được đóng mới, nâng cấp đi vào hoạt động, đa số các tàu cá mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhiều chủ tàu đã trả nợ vốn vay các Ngân hàng, với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi đi vào hoạt động, một số tàu đã có hiện tượng gỉ sét nghiêm trọng ở mặt boong, thân tàu, ca bin và một số tàu bị hỏng hóc máy chính.
Cụ thể, tại tỉnh Bình Định phát hiện 18 tàu cá vỏ thép bị hư hỏng; trong đó, 5 tàu cá đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị bong tróc sơn, hầm bảo quản thoát nước kém, bị thay đổi thiết kế. 12 tàu cá đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) có thân tàu bị gỉ sét, 4 tàu bị hư hỏng một số bộ phận máy chính, máy phát điện, hầm bảo quản.
Qua kiểm tra, chất lượng thép không đảm bảo, không đúng như hợp đồng, độ dày thép không đảm bảo, sơn gỉ sét rất nặng. Nhiều thiết bị hàng hải thường xuyên hư hỏng. Máy tàu không chính hãng, nhiều chi tiết bộ phận bị thay thế, chắp vá. Các cơ sở đóng tàu đổ lỗi cho ngư dân chưa quen sử dụng, không biết bảo dưỡng.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đây là những sự cố đáng tiếc, gây bức xúc cho nhân dân.
“Đối với các cơ sở đóng tàu không có lương tâm, đóng những con tàu bị gỉ sét nhanh, bị hỏng máy, UBND tỉnh sẽ đề nghị các cơ quan chức năng cao hơn nữa để thực hiện điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu như ngư dân, ngân hàng có những biểu hiện sai phạm trong Nghị định 67 đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh”, ông Châu nêu rõ.
Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép; Yêu cầu các cơ sở đóng tàu thực hiện đúng các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép. Đồng thời, tổ chức các Đoàn kiểm tra đánh giá lại thực trạng các tàu cá bị hỏng, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục đưa tàu cá vào hoạt động sản xuất.
UBND tỉnh Bình Định cũng thành lập Tổ giám định độc lập để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xử lý trách nhiệm các bên liên quan; tổ chức đối thoại, khắc phục bước đầu các sự cố.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, những con tàu không đảm bảo chất lượng, các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.
“18 con tàu hư hỏng do 2 doanh nghiệp Nam Triệu và Đại Nguyên Dương là 2 cơ sở được các địa phương công nhận đủ điều kiện nhưng không đủ năng lực, đóng tàu có vấn đề chất lượng. Bộ quyết định tạm dừng cho 2 doanh nghiệp này tiếp tục nhận hợp đồng đóng mới. Những con tàu đang đóng phải lập tức điều chỉnh để nâng cao chất lượng, nếu không đảm bảo được sẽ đưa ra khỏi danh mục”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ./.