Vụ nhiều giáo viên không nhận được tiền hỗ trợ tàu xe: Chi trả hơn 1 tỷ đồng
Trước đó, rất nhiều giáo viên, nhân viên... chưa được thanh toán tiền tàu xe các ngày lễ tết. |
Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập hội đồng để rà soát toàn bộ chính sách của ngành giáo dục trong giai đoạn này để tránh bị thiếu sót. Việc rà soát dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 15/12.
Việc chi trả hơn 1 tỉ đồng tiền hỗ trợ tàu xe được quyết định sau một thời gian bị “lãng quên”.
Trước đó báo Dân trí có bài phản ánh “Nhiều giáo viên, nhân viên không nhận được tiền hỗ trợ tàu xe trong suốt 3 năm”. Theo đó, trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) có 17 xã, một thị trấn: Các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đều có giáo viên, đối tượng được hưởng chế độ tiền tàu xe theo nghị định 116.
Tuy nhiên, trong suốt 3 năm từ 2014-2016, các giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng trên vẫn chưa được UBND huyện Tương Dương chi trả khoản hỗ trợ theo quy định trên. Trong 57 trường học trên địa bàn, UBND huyện Tương Dương xác định, có 29 trường “quên” chi trả phụ cấp tàu xe của năm 2014, với số tiền gần 440 triệu đồng. Năm 2015, con số này là 10 trường với hơn 60 triệu đồng. Năm 2016, 26 trường chưa chi trả với số tiền gần 520 triệu đồng. Như vậy trong 3 năm hơn 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên không được giải quyết.
Với tình yêu nghề, các cô giáo ở miền xuôi lên cắm bản để gieo chữ nhưng mỗi khi dịp lễ tết vẫn không được chi trả hỗ trợ tiền tàu xe đầy đủ. |
Theo Nghị định 116/2010/CP, các giáo viên phục vụ tại các địa bàn đặc biệt khó khăn được hưởng 7 khoản phụ cấp, trợ cấp gồm phụ cấp thu hút; công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu; chuyển vùng; ra khỏi vùng khó khăn hoặc nghỉ hưu; tham quan, học tập bồi dưỡng chuyên môn và khoản tiền thanh toán tàu xe đi và về thăm gia đình trong kỳ nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết.
Lý giải về vấn đề này, bà Vy Thị Bích Thủy - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho rằng: “Việc phê duyệt các chế độ thì về phía phòng GD&ĐT đã phê duyệt kịp thời. Sau khi nhận được thông tin các trường, phòng đã phản ánh thực tế lên huyện mà trực tiếp với phòng Tài chính”.
Để đến trường, nhiều giáo viên ở đây phải đi bằng xuồng. |
“Khi có đầy đủ vé tàu, xe và giấy đi đường có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đến cho nhà trường, kế toán trường lập danh sách trình kế toán Phòng GD&ĐT duyệt. Sau khi đã có kết quả duyệt, kế toán phòng GD&ĐT và kế toán các trường cùng nộp danh sách lên phòng TCKH duyệt để nhận chế độ hỗ trợ’’, bà Thủy nhấn mạnh thêm.
Trước đó, ngày 17/11, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã công bố kỷ luật hai đảng viên có vi phạm trong việc chậm chi trả hơn 5,6 tỷ đồng tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở huyện Tương Dương.
Theo đó, ông Trịnh Minh Châu - Nguyên Chủ tịch UBND huyện bị khiển trách, ông Vang Kiên Cường -Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện bị cảnh cáo.