Viết tiếp truyền thống “Dũng mãnh, kiên cường, đánh giỏi, diệt gọn”
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 hôm nay luôn tự hào về những chiến công của các thế hệ đi trước. Điển hình là Chiến thắng Xuân Bồ (tháng 5-1950) do Trung đoàn 18 (tiền thân của Trung đoàn 12) thực hiện trên địa bàn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Chiến công tiếp nối chiến công, trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954), trung đoàn tổ chức các trận đánh ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tạo thế bao vây, cô lập địch ở Trung Lào, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn An-giê-ri số 27, lập chiến công xuất sắc ở Đường số 9, căn cứ Khăm He... khiến một lực lượng lớn quân Pháp bị sa lầy ở Trung Lào, tạo điều kiện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 12 duyệt đội ngũ trong Lễ ra quân huấn luyện năm 2017. Ảnh: Hoàn Hương |
Thực hiện nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, ngày 2-9-1965, Trung đoàn 18 chính thức được đứng trong đội hình của Sư đoàn 3, với phiên hiệu là Trung đoàn 12 (Đoàn Tây Sơn). Ngay từ những ngày đầu trong đội hình sư đoàn, trung đoàn cùng với các đơn vị bạn chiến đấu kiên cường, giáng những đòn phủ đầu vào Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ khi chúng vừa đặt chân tới Việt Nam, mở đầu phong trào thi đua “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên chiến trường miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trung đoàn 12 đã đánh bại 1 trung đoàn quân Nam Triều Tiên, diệt hơn 600 tên, góp phần đập tan kế hoạch bình định nông thôn và làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trung đoàn tham gia giải phóng và bảo vệ huyện Hoài Ân, chốt chặn Đường 19, đánh thiệt hại nặng sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên, kiên cường giữ vững vùng giải phóng Hoài Nhơn, kìm chân Sư đoàn 22 của địch và làm chủ Đường 19-cô lập lực lượng địch trên chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Bình Định. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 12 tham gia hướng tiến công chủ yếu giải phóng quận lỵ Đức Thạnh, thành phố Vũng Tàu và Côn Đảo, cùng với các đơn vị bạn đưa hơn 5.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền, góp phần quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Tròn 70 năm qua, dấu chân cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 đã đi suốt chiều dài của đất nước: Từ Khu 5 rực lửa ra miền Bắc, sang chiến trường Lào, vào chiến trường miền Nam, tới Côn Đảo xa xôi, đến Lạng Sơn-nơi địa đầu Tổ quốc. Đơn vị đã tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công. Bằng mồ hôi và xương máu, sức lực và trí tuệ của mình, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục viết nên những trang sử vàng chói lọi của Trung đoàn 12 anh hùng. Ghi nhận những chiến công của đơn vị, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Trung đoàn 12, 1 tiểu đoàn, 5 đại đội và 7 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm túc các chế độ trực SSCĐ. Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ lệnh của Tư lệnh Quân khu 1 về công tác quân sự, quốc phòng, tổ chức huấn luyện đồng bộ theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đạt khá, giỏi cao, an toàn tuyệt đối. Đơn vị luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, nền nếp chính quy, đoàn kết, kỷ luật, dân chủ tốt. Cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, đơn vị còn thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện hiệu quả phong trào “Đoàn Tây Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, tạo sự đoàn kết, gắn bó và để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.