[Megastory] Doanh nhân Nguyễn Văn Thắng - Dấu chân vững chãi, kiên cường, sáng tạo
PV: Thưa ông Nguyễn Văn Thắng, Tập đoàn An Khánh và Công ty Nhiệt điện An Khánh từ thuở khai sinh đến hiện tại, quá trình dồn toàn bộ tâm trí, sức lực vào cơ nghiệp này trải qua những giai đoạn như nào thưa ông? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Đó là một câu chuyện khá dài mà ở đó, từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu. Vào năm 2007, tôi có ý tưởng xây dựng nhà máy điện để có pháp nhân mới triển khai hoạt động nên tôi thành lập Công ty Nhiệt điện An Khánh. Bên cạnh Công ty Nhiệt điện An Khánh thì còn có Công ty Vật liệu xây dựng An Khánh, Công ty Đầu tư công nghiệp An Khánh, Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư. Đó là những công ty thành viên của Tập đoàn An Khánh. Tuy nhiên, Công ty Nhiệt điện An Khánh là điểm nhấn của Tập đoàn. Công ty có vốn đầu tư lớn nhất của Tập đoàn An Khánh. Và đây cũng là công ty có nhiều “cái nhất”. Thứ nhất, đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư vào ngành điện với công suất lớn. Nếu như trước đây, các công ty nhiệt điện, thủy điện có công suất dưới 20 đến 30 MW, ở thời điểm đó thì rất nhiều, có đến hàng trăm dự án. Tuy nhiên, để đầu tư công suất trên 100MW thì dường như chưa có doanh nghiệp nào đầu tư, bởi vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài (trên 10 năm). Đây là dự án thuộc nhóm A do Chính phủ cấp phép và sự quản lý của các Bộ, ngành Trung ương. Chính vì vậy, mà chúng tôi phải xin ý kiến Thủ tướng và báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét. Và điều quan trọng đó là xem xét năng lực của người đứng đầu và năng lực tài chính. Đơn cử như đầu tư làm Nhà máy Nhiệt điện An Khánh là 4.660 tỷ đồng, buộc trong đó vốn tự có của mình phải tham gia là 20%, (tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng), còn lại mới được sử dụng các vốn vay. Nếu không đảm bảo như thế thì không có tổ chức tín dụng nào cho vay. Ở thời điểm 2007, các doanh nghiệp có vốn đến nghìn tỷ là dường như không có. Đến bây giờ, ngoài Samsung ra thì các doanh nghiệp trong tỉnh cũng ít có doanh nghiệp nào có vốn điều lệ đến nghìn tỷ. Mặt khác, trước khi bảo lãnh để vay vốn nước ngoài, Bộ Tài chính thẩm định rất kỹ, chúng tôi phải đảm bảo về bộ máy điều hành, năng lực thực hiện, bảo lãnh vay 168 triệu USD (tương đương với hơn 3.000 tỷ đồng) mà không trả nợ được sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín quốc gia và các yếu tố khác sai về quy định pháp luật. Do vậy, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Ngân hàng đều thẩm định rất kỹ và qua được các bước đó thực sự là quá trình gian nan, khiến tôi đi lại “mòn gót nhiều đôi giày”. Đi tiên phong khó khăn là vậy. Quá trình chuẩn bị dự án tôi mất khoảng 2 năm, đến năm 2009 thì công tác chuẩn bị mới cơ bản hoàn thành, khi đó địa điểm, nguồn vốn đầu tư, công nghệ, đã sẵn sàng. Hiện nay, đã có Nghị quyết 55/NQTW về định hướng chiến lược năng lượng Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thứ nhất đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là yếu tố trọng tâm của công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là tư nhân sản xuất, kinh doanh điện. Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào ngành điện được thuận lợi hơn. Trên cơ sở đó, đã mở ra hướng đi rất mới cho doanh nghiệp tư nhân nhưng ở thời điểm tôi làm thì còn khó khăn. Do vậy các ngân hàng đều không mặn mà với việc cung cấp tín dụng của chúng tôi. Các ngân hàng chỉ cho vay dự án ngắn hạn, vốn lưu động, nhưng dự án này với thời gian đầu tư là trên 10 năm, nên với thời gian dài như vậy mới hoàn thiện gốc và lãi thì rất khó, do đó, chúng tôi không thể vay được từ các Ngân hàng thương mại trong nước. Năm 2009, chuẩn bị công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến năm 2012, bắt đầu xây dựng và tháng 10/2015 đã phát điện và chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doanh và sản xuất điện với công suất lớn và thành công, điều này được Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. PV: Ở tuổi này, có nhiều người đã nghỉ ngơi nhưng ông vẫn đang gánh vác trọng trách rất lớn từ An Khánh, vậy ông có cảm thấy áp lực không? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Thực ra, đôi lúc tôi đã cảm thấy mình mệt mỏi, năm nay tôi 65 tuổi với một tuổi trẻ khá vất vả. Sau 7 năm tham gia quân đội trở về, tôi mới bắt đầu đi học và 5 năm sau tốt nghiệp đi làm. Có lúc tôi cảm thấy tủi thân, khi sau thời gian tôi đi bộ đội trở về, các bạn học cùng tôi đã có công việc ổn định. Tôi vẫn ngưỡng mộ họ với hình ảnh áo trắng, quần âu đi làm. Còn mình khi đó trở về với chiếc balo, vài bộ quần áo và bắt đầu đi học. PV: Ông nhìn nhận ra sao về những cuộc khủng hoảng kinh tế mình đã trải qua và An Khánh đã xoay xở như thế nào trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng hiện nay? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Không riêng gì Nhiệt điện An khánh và nhiều công ty thành viên đang gặp khó khăn, đặc biệt là dự án Núi Pháo của chúng tôi với hơn 2,000 cán bộ, công nhân và chuyên gia. Đôi lúc tưởng như và tôi nghĩ không làm cũng không được vì đã cưỡi trên lưng hổ. Được sự động viên giúp đỡ của chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, các dự án đã hoàn thành, ổn định và đi vào hoạt động: như Nhà máy An Khánh đã hoạt động 5 - 6 năm nay, hòa lưới điện trên 5 tỷ KW/h, các công ty liên doanh liên kết và thành viên của An Khánh mỗi năm đều đảm bảo việc làm cho trên 3.000 lao động, nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng, tham gia công tác an sinh xã hội nhiệt tình và trách nhiệm. |
PV: Khi được nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đến với ông với những cảm xúc như thế nào? Và trách nhiệm của bản thân mình với danh hiệu này? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Tôi chưa từng nghĩ rằng mình làm để trở thành anh hùng, trong quá trình làm việc gần 15 năm qua, đơn vị chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiều nội dung khác. Danh hiệu đến với tôi đó là sự ghi nhận, đánh giá và động viên của các cấp ngành và sự quan tâm của Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương. Sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho tôi thấy trách nhiệm của mình ngày càng lớn hơn, làm sao cho xứng đáng với danh hiệu mà mình nhận được và đó cũng là trọng trách, niềm vinh dự để tôi phấn đấu, làm việc và giữ gìn. |
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về hình ảnh doanh nhân trong hành trình 190 năm xây dựng của tỉnh? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Lịch sử 190 năm của tỉnh Thái Nguyên là một bề dày, trong cả quá trình đó, từ khi hình thành cho đến nay, Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều doanh nhân như tể tướng Lưu Nhân Chú, nhà doanh nhân đã hiến hết tài sản để nuôi dưỡng và rèn quân, là trợ thủ đắc lực phò Lê Lợi, Quang Trung hay doanh nhân Hoàng Thị Năm ở Đồng Bẩm ngày xưa. Để có ngày hôm nay đó là thể hiện truyền thống yêu nước của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và tinh thần yêu nước ấy được hiện thực hóa bằng nhiều hành động cách mạng với các thế hệ thanh niên lên đường bảo vệ tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến, ATK che chở, bao bọc cho Trung ương Đảng và Bác Hồ. Và điều quan trọng là trải qua nhiều thời kỳ, Thái Nguyên vẫn là một trong những tỉnh được đánh giá là địa phương dẫn đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về các thành tích phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có đóng góp lớn của đội ngũ doanh nhân. PV: Ông đã truyền cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay như thế nào để họ có khát vọng kinh doanh cháy bỏng? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Cộng đồng doanh nghiệp của Thái Nguyên hiện nay có nhiều hình thức tổ chức như: Hội Doanh nghiệp trẻ cuốn hút các doanh nghiệp vào các hoạt động khởi nghiệp, Hội Doanh nhân nữ thì tập hợp các doanh nhân nữ, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh thì tập hợp những lực lượng đã tham gia quân đội về tiếp tục làm doanh nghiệp, doanh nhân. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh với gần 8.000 doanh nghiệp. Với tư cách là những người đứng đầu của hiệp hội, chúng tôi đã cố gắng liên kết, là cầu nối, là điểm tựa cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời còn đóng vai trò phản biện, hoặc thay mặt doanh nghiệp đề đạt ý kiến gửi đến chính quyền các cấp. Góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân. Vai trò của mỗi tổ chức là rất quan trọng trong chặng đường phát triển của tỉnh Thái Nguyên. PV: Chặng đường phát triển của An Khánh với vinh quang thật đáng tự hào và bản thân đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời doanh nhân, vậy ước vọng lớn nhất của ông bây giờ là gì? Doanh nhân, AHLĐ Nguyễn Văn Thắng: Tôi chỉ nghĩ là một đất nước vững mạnh khi có nền kinh tế mạnh, một nền kinh tế mạnh khi có lực lượng doanh nghiệp mạnh. Ngoài hệ thống công quyền quản lý nhà nước, thì doanh nghiệp và nhân dân là lực lượng quyết định. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi. Bộ Chính trị đã có Nghị Quyết 09/BCT về doanh nghiệp, doanh nhân. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Nghị quyết 09/TU cải cách hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng để phục vụ. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi tin tưởng vào định hướng, xác nhận vai trò của Đảng, Nhà nước và các cấp về doanh nghiệp doanh nhân. Và vì lẽ đó chúng tôi không có lý gì mà không hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm tốt công tác an sinh xã hội. Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện tràn đầy cảm hứng kinh doanh và trách nhiệm với sự phát triển địa phương trong những ngày Thái Nguyên hân hoan với niềm vui 190 năm thành lập tỉnh! Chúc cho người doanh nhân cựu chiến binh luôn đỏ cháy như ngọn lửa - ngọn lửa của tâm huyết và An Khánh sẽ tiếp tục thực hiện được khát vọng, sứ mệnh và thành công. |