Vì sao nhiều địa điểm “thất thủ”, người dân vẫn chen chân đi “hành xác”?
Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên tại các khu du lịch, các điểm vui chơi, giải trí ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải. Tại Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang… lượng khách du lịch tăng đột biến, các bãi tắm ken đặc kín người. Thậm chí, tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngay từ chiều 30/4, ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ, hàng chục nghìn du khách đổ về bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã tạo nên cảnh tượng “kinh hoàng”. Lượng khách quá đông khiến nơi này rơi vào tình trạng quá tải, rác thải nằm la liệt khắp mọi nơi. Các khách sạn, nhà nghỉ cháy phòng, đường dẫn ra biển bị ùn tắc kéo dài nên nhiều du khách đã buộc phải quay đầu bỏ về.
Cảnh tượng "đông chưa từng có" tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Dương Thế Hùng). |
Cảnh tượng đông đúc tương tự cũng xảy ra tại Sapa – Lào Cai. Lượng khách đổ về du lịch đông nghịt, các phương tiện giao thông bị ùn ứ kéo dài khiến cho lực lượng cảnh sát giao thông phải “căng mình” điều tiết tại các bến xe. Nhiều du khách chờ lâu phải xuống đi bộ khoảng 2 – 3 km để vào thị trấn. Đông nhất là khu vực mua vé đi cáp treo Fansipan Lengend. Dù huy động tới 6 quầy bán vé nhưng vẫn không đủ để phục vụ hết nhu cầu của khách hàng, tình trạng tắc nghẽn liên tục xảy ra. Quang cảnh đông đúc, lại phải chờ đợi lâu khiến nhiều người không giấu nổi sự bơ phờ, mệt mỏi.
Không những thế, giá phòng nghỉ, khách sạn ở đây cũng tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Nhiều khách đi du lịch cho biết đến trưa ngày 30/4, hầu hết nhà nghỉ, khách sạn ở thị trấn đã thông báo hết phòng, muốn tìm chỗ ở họ phải chấp nhận đi xa hoặc thuê với giá cao “cắt cổ”. Ước tính, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt khoảng 97.000 người, tăng 8.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Sapa, trong ngày cao điểm 30/4 các điểm du lịch đón trên 30.000 lượt khách.
Hiện tượng đông "ngộp thở" cũng xảy ra tương tự tại Đồ Sơn (Hải Phòng). (Ảnh Vietnamnet) |
Ngay tại Hà Nội, trái ngược với cảnh đìu hiu, vắng hoe ngoài đường thì tại các công viên, khu vui chơi giải trí luôn “chật kín” người. Thậm chí, tại công viên Thủ Lệ, biển người chen chân, nhích từng cm. Mọi ngả đường dẫn vào công viên đều trong tình trạng ùn tắc. Bên trong khuôn viên, cảnh tượng đông đúc đến mức gần như không còn một chỗ trống. Nhiều người vì quá mệt mỏi phải trải chiếu nằm trên bãi có nghỉ ngơi. Các em nhỏ được bố mẹ “kiệu” trên đầu để tránh va chạm. Anh Nguyễn Minh Anh (Hà Đông, Hà Nội) mệt mỏi cho biết, đoạn đường từ Cầu Giấy vào công viên Thủ Lệ dài chưa đến 1km nhưng anh phải di chuyển mất hơn 1 tiếng đồng hồ sau đó lại mất khá nhiều thời gian chờ đợi mua vé. Vào đến nơi, cảnh tượng “đông chưa từng có” khiến cả gia đình anh “ngộp thở”. “Vào không được mà ra cũng không xong. Đi chơi mà không khác gì hành xác. Cảnh thì không được chiêm ngưỡng mà nhìn đâu cũng chỉ thấy là người là người”, anh Minh Anh than thở.
Biển người chen chân đặc kín trong công viên Thủ Lệ (Hà Nội) (Ảnh: Hà Trang) |
Trong 4 ngày nghỉ lễ, cụm từ “thất thủ” được dùng khá phổ biến để mô tả sự đông đúc, chật chội tại các điểm du lịch. Thế nhưng điều đáng nói, hiện tượng này không phải là mới. Năm nào cũng vậy, sau những kỳ nghỉ dài ngày, những hình ảnh “đông đến ngạt thở” đều được đăng tải, cảnh báo trên truyền thông. Câu hỏi đặt ra là, vì sao ai cũng biết, cũng lường trước được sự đông đúc, thậm chí “chặt chém” cắt cổ tại các hàng quán, địa điểm du lịch mà vẫn chấp nhận đi để đổi lại sự mệt mỏi, thất vọng?
Trao đổi với Pv Dân trí, PGS.Ts Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam lý giải, người Việt vẫn thường có tâm lý “đám đông”, “bắt chước”. Không chỉ đi du lịch mà trong cuộc sống hàng ngày, ở nhiều lĩnh vực, người ta vẫn thường quan niệm: chỗ nào đông chỗ đó mới tốt, thương hiệu mới đàng hoàng. Thậm chí nhiều quán ăn được dù được mệnh danh là “bún mắng, cháo chửi” nhưng vẫn đông đúc người mua hàng. “Nhìn chung tính kế hoạch của người Việt của mình còn yếu và kém. Họ không có thói quen chuẩn bị, tìm hiểu trước thông tin mà đa phần là nghe theo sự truyền khẩu từ người này sang người khác. Thế mới có nghịch lý, địa điểm thì quá tải chỗ thì vắng hoe không có khách du lịch”, ông Bình nói.
Chuyên gia này cũng cho hay, không chỉ thiếu tính kế hoạch, người Việt còn có tính “a dua”, thiếu kỷ luật. Tại các nơi đông người, công cộng, họ vô tư xả rác, nói tục, cư xử thiếu lịch sự. Dẫn đến hiện tượng, không chỉ quá tải mà sau mỗi kỳ nghỉ lễ các địa điểm văn hóa, du lịch thu hút đông người đều trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. “Tôi đọc báo thấy một số địa điểm du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hồ Hàm Lợn (Sóc Sơn, Hà Nội)… ngập ngụa rác thải mà đau xót. Nhiều người đi du lịch không có văn hóa, không có sự tìm hiểu về cảnh quan, vùng đất nơi mình định đến mà đơn thuần đi du lịch chỉ vì tính hiếu kỳ, a dua”, chuyên gia này khẳng định.
Trong khi đó, ông Vũ An Dân (Trưởng khoa Du lịch – Viện Đại học Mở Hà Nội) cho hay, thực tế hiện tượng quá tải tại các địa điểm du lịch vào mỗi kỳ nghỉ lễ không phải là mới mà đã xảy ra nhiều năm. Ông Dân cho rằng, việc thiếu thông tin về điểm đến cũng như sự hạn chế trong việc chọn lựa địa điểm du lịch chính là nguyên nhân gây ra sự đông đúc này. “Người đi du lịch không có nhiều sự lựa chọn, thông tin cũng ít vì thế họ mới có tâm lý lựa chọn các điểm đến có tính phổ thông để đảm báo tính an toàn. Nhiều người có cùng suy nghĩ, lựa chọn như vậy nên mới dẫn đến hiện tượng “thất thủ” tại nhiều nơi”, ông Dân phân tích. Chuyên gia này cũng cho hay, để hạn chế tình trạng này, khác tham quan nên chọn lựa chọn các địa điểm du lịch mới mẻ, còn sơ khai vắng người hoặc tránh việc đi du lịch vào những kỳ nghỉ lễ. Thêm vào đó, trước khi đi du lịch cần chủ động tìm hiểu các thông tin về điểm đến, sức chứa hoặc kinh nghiệm của những người đi du lịch trước đó để đảm bảo một kỳ nghỉ trọn vẹn, đúng nghĩa.