Vì sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chọn Huế để tới thăm
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28/2 tới 5/3. Phóng viên VOV thường trú tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường về ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ 2 nước cũng như lý do tại sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu lại chọn cố đô Huế là địa phương duy nhất để tới thăm trong chuyến đi lần này.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường |
PV: Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu tới thăm Việt Nam, xin đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với sự phát triển của quan hệ hai nước?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tuần qua, tôi đã được mời vào Hoàng cung để yết kiến Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu. Nhà vua và Hoàng hậu đều rất trông chờ vào chuyến thăm tới Việt Nam lần đầu tiên này.
Bản thân chuyến thăm đầu tiên sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của nó. Đây là chuyến thăm lịch sử, mang ý nghĩa biểu tượng đồng thời cũng là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ hai nước ngày càng thân thiện, ngày càng phát triển và có độ tin cậy.
Lãnh đạo của hai nước kể cả Việt Nam và Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Và chuyến thăm lần này của Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự phát triển trong quan hệ, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.
PV: Đại sứ có thể cho biết lý do tại sao Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu lại chọn cố đô Huế là địa phương duy nhất tới thăm trong chuyến đi lần này?
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Cả hai nước đều nhất trí cao trong việc chọn cố đô Huế là địa phương để Nhà vua và Hoàng hậu tới thăm. Có rất nhiều lý do, nhưng theo tôi, có ít nhất 2 lý do: lịch sử và văn hóa.
Về lịch sử, cố đô Huế có giá trị rất đặc biệt trong lịch sử của đất nước chúng ta, từng có 143 năm là kinh đô của nước ta trong triều Nguyễn. Nhà vua và Hoàng hậu rất quan tâm tới lịch sử của đất nước chúng ta và đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi liên quan tới triều Nguyễn, thời vua Gia Long hay vua Minh Mạng….
Về văn hóa, có thể nói, cố đô Huế với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi giao thoa, hội tụ của nền văn hóa rất đặc sắc của nước ta. Đây cũng là nơi có giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tôi có nhắc tới Nhã nhạc cung đình Huế khi gặp Nhà vua và Hoàng hậu. Rất ngạc nhiên là Nhà vua nhắc ngay tới chuyện Phật Triết của Việt Nam từ thế kỷ thứ 8 đã mang Nhã nhạc sang biểu diễn trong Lễ khai tượng chùa tại Nara. Trải qua 1300 năm, Nhã nhạc đã được kế thừa và vẫn duy trì biểu diễn trong Hoàng cung Nhật Bản hiện nay. Bản thân Hoàng hậu cũng rất thích Nhã nhạc. Việc này cho thấy giao lưu quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đầu tiên là từ văn hóa, từ âm nhạc.
Ngoài ra, Huế cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử của Việt Nam mà Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ trong việc bảo tồn, duy trì những di tích lịch sử này trong nhiều năm nay. Do vậy, tôi nghĩ việc chọn cố đô Huế có ít nhất hai lý do đó.
PV: Cảm ơn Đại sứ./.