Vì cả tin, nhiều người bị nữ doanh nhân “ẵm” gần chục tỷ đồng biến mất
Xưởng may của bà Lê Thị Hạnh. (Ảnh: Báo Hải Dương) |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Công an huyện Thanh Hà, Hải Dương liên tiếp nhận được đơn trình báo của người dân trên địa bàn phản ánh việc cho bà Lê Thị Hạnh (45 tuổi, ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) vay tiền nhưng không đòi được với tổng số tiền khoảng 7-8 tỷ đồng. Trong đó, bà Hạnh vay của anh N.Đ.S ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) 3,4 tỷ đồng rồi "bặt vô âm tín". Theo nhận định của cơ quan chức năng, thực tế, số tiền bà Hạnh nợ có thể còn lớn hơn nữa. Bởi, bên cạnh những người trình báo cơ quan công an cũng còn một số người giấu diếm người nhà cho bà Hạnh vay nên không trình báo.
Những nạn nhân của bà Hạnh
Theo phản ánh của ông Lưu Xuân Hiếu (ở thôn An Lão, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), ngày 26/4/2017, bà Lê Thị Hạnh thanh lý toàn bộ máy khâu của xưởng may Công ty TNHH một thành viên Gia Hân (có trụ sở tại thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) do bà này là giám đốc cho ông với số tiền 3 tỷ đồng. Bà Hạnh đã nhận tiền và viết giấy biên nhận chuyển nhượng và ký, đóng dấu công ty xác nhận. Từ thời điểm đó đến cuối năm 2017, ông Hiếu nhiều lần đến gặp và yêu cầu bà Hạnh bàn giao số máy khâu trên nhưng bà này khất lần với lý do để... may nốt đợt vải đang dở.
Đến ngày 1/2/2018, ông Hiếu đến xưởng may để gặp bà Hạnh làm việc thì bà này đã không còn ở đây. Em gái bà Hạnh là bà Lê Thị Hải nói với ông Hiếu xưởng may đã được bà Hạnh chuyển nhượng cho mình.
"Vì quá tin tưởng bà Hạnh mà tôi đã vay mượn tiền ở nhiều nơi để mua lại số máy khâu trên. Hiện nay, mỗi tháng tôi phải trả hơn chục triệu đồng tiền lãi của các khoản vay này. Việc bà Hạnh lừa đảo, chiếm đoạt 3 tỷ đồng gây tổn hại rất lớn đến kinh tế của gia đình tôi"- ông Hiếu bức xúc.
Một nạn nhân khác, ông Bùi Kim Cương (ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) đã cho bà Hạnh vay 21.000 đô la Mỹ và 300 triệu đồng. Để tạo lòng tin, bà Hạnh còn mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xưởng may của công ty cho ông Cương cầm để làm tin. Tuy nhiên, khi bà Hạnh bỏ trốn khỏi nơi cư trú, ông Cương mang giấy tờ trên đến cơ quan chức năng huyện Thanh Hà kiểm tra thì mới ngã ngửa đó là giấy tờ giả.
"Số tiền trên là của các con, cháu nhà tôi. Bà Hạnh nói vay tôi tiền để đảo nợ ngân hàng nên tôi tin tưởng cho vay. Bà ta trả được ít lãi vài tháng, đến khi tôi đi vào Nam chơi với các cháu thì bà ấy cũng lẳng lặng bỏ trốn mất tăm, mất tích"- ông Cương cho biết.
Cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên chiều 20/4, Đại tá Cù Trọng Nam, trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay Công an TP Hải Dương và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cũng nhận được trình báo của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh với cùng nội dung trên. Cơ quan công an tỉnh cũng đang khẩn trương điều tra làm rõ.
Hiện, công an huyện Thanh Hà cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng cấm xuất cảnh đối với bà Hạnh để phục vụ công tác điều tra. Theo các bị hại trong vụ việc, bằng thủ đoạn lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Hạnh đã rất rõ ràng. Mong muốn của họ là cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ, truy tìm, triệu tập bà Hạnh về làm việc để thu hồi tài sản, xử lý bà Hạnh theo quy định của pháp luật./.