Vấn đề trên được Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết TNGT, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - đặt ra trong bối cảnh tình trạng vi phạm nồng độ cồn gia tăng trong thời gian gần đây.

Trước câu hỏi của nhiều người về sự “nhờn” luật do mức xử phạt chưa cao và phải chăng việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa hiệu quả, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng cần nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện, bởi văn hoá rượu bia đang ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người Việt.

van hoa ruou bia qua de dai gay nen van nan tai xe ma men
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết TNGT, Cục Cảnh sát giao thông

“Từ chuyện vui, buồn, đến hiếu hỉ, nhiều người đều sử dụng rượu bia. Các nước đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, hạn chế độ tuổi… Trong khi đó, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân Việt Nam lại quá dễ dãi.

Ở nước ta, nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người. Hậu quả đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, làm dư luận xã hội bức xúc, để lại những hậu quả rất nặng nề.” - Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Đại diện Cục CSGT thông tin, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019.

“Nhưng việc làm của CSGT, xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.” - Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho hay.

Đại diện Cục CSGT cũng thông tin thêm, hiện lực lượng CSGT vẫn kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường gần các nhà hàng, quán nhậu. CSGT đang áp dụng biện pháp kiểm soát nồng độ cồn quốc tế, tương đương các nước, kiểm soát định tính trước rồi mới kiểm soát định lượng. Tức là bước đầu, chỉ cần xác định tài xế có nồng độ cồn, thì mới chuyển sang kiểm soát nồng độ cồn cụ thể là bao nhiêu.

van hoa ruou bia qua de dai gay nen van nan tai xe ma men
PGS.TS Nguyễn Đức Chính

PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Việt Đức cho biết, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng TNGT thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày.

Đáng nói, những bệnh nhân TNGT tới bệnh viện Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, có đối tượng gây TNGT, rất nhiều nạn nhân TNGT ng chống đối, không hợp tác với nhân viên y tế để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Việc cơ quan điều tra đến làm thủ tục kiểm tra nồng độ cồn từ các đối tượng liên quan tới TNGT cũng rất bất cập khi có những ca nhập viện sau 2 ngày bệnh viện mới nhận được yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn, lúc này gần như không còn dấu tích.

Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Việt Đức cho rằng, cần phải sửa đổi quy định liên quan tới thời điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với các đối tượng tham gia giao thông.