Báo cáo, được công bố hồi đầu tháng trên tờ BMJ Case Reports, đã mô tả chi tiết trường hợp một bệnh nhân nữ 71 tuổi phát triển bệnh viêm gan tự miễn sau khi uống bột nghệ để bồi bổ sức khỏe tim mạch.

Tám tháng sau khi bắt đầu uống, xét nghiệm máu cho thấy bà bị tăng men gan, chỉ dấu cho thấy gan có vấn đề. Bà được chẩn đoán viêm gan tự miễn, một loại bệnh viêm gan, nhưng các bác sĩ không biết nguyên nhân là gì.

Sau 3 tháng theo dõi, bệnh nhân mới nói cho các bác sĩ biết rằng bà đã ngừng uống bột nghệ sau khi đọc thấy trên mạng rằng nó có thể gây ra vấn đề về gan. (Trước đó bà ấy không nói với bác sĩ là đang uống bột nghệ). Sau khi ngừng uống, men gan của bệnh nhân đã giảm đi, cho thấy bột nghệ có thể là thủ phạm.

"Vì các triệu chứng bắt đầu khi bệnh nhân bắt đầu uống bột nghệ và chấm dứt khi bệnh nhân không uống nữa, trong khi tất cả các loại thuốc men khác không thay đổi, có thể thấy khá rõ là tình trạng bệnh của bệnh nhân có liên quan đến việc uống bột nghệ", BS. Janet Funk, giảng viên Đại học Arizona (Mỹ) nói.

"Ngoài ra, khi xem xét mô gan bị tổn thương, chúng tôi có thể thấy có gì đó ở những vùng bị tổn thương trông giống như nghệ", bà nói, "mặc dù chúng tôi không thể chứng minh điều này với sự chắc chắn tuyệt đối”. Curcumin, thành phần hoạt chất của nghệ, phát huỳnh quang, và các tế bào viêm trên sinh thiết gan của bệnh nhân đã “nuốt” những vật liệu lạ "chứa chất huỳnh quang với các đặc tính huỳnh quang phù hợp với curcumin".

uong bot nghe coi chung viem gan

Nghệ thường được bán như một loại thực phẩm chức năng để giúp chống viêm.

Nghệ là một loại cây có củ cùng họ với gừng, và đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trong ẩm thực Ấn Độ. Thành phần hoạt chất chính của nghệ là curcumin, có màu vàng và thường được sử dụng để nhuộm màu thực phẩm và mỹ phẩm. Hiện nay ở Mỹ, nghệ thường được bán dưới dạng củ, bột làm gia vị, dạng viên thực phẩm chức năng, hoặc thậm chí còn là một thành phần của một loại latte giải khát rất thời thượng và sặc sỡ.

Nghệ cũng được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ để điều trị một loạt các vấn đề về sức khỏe như các vấn đề về hô hấp, bệnh thấp, đau và mệt mỏi. Theo NCCIH, nghệ thường được sử dụng như một loại thực phẩm chức năng, với quảng cáo là có thể tác động tích cực đến viêm, viêm khớp, và dạ dày, da, gan, và các vấn đề túi mật. Tuy nhiên, nhiều lợi ích sức khỏe của nghệ đã bị phóng đại, trong khi tác dụng khác vẫn chưa có kết luận.

uong bot nghe coi chung viem gan

Nhưng nghệ có thể thực sự gây ra vấn đề sức khỏe?

Theo NCCIH, nghệ là "nói chung được xem là an toàn" khi uống hoặc đắp lên da, nhưng liều cao hoặc sử dụng lâu dài có thể dẫn đến những vấn đề tiêu hóa.

Trước đây cũng đã có những báo cáo liên hệ nghệ với các vấn đề về gan và thận. Trong nghiên cứu trên BMJ, các tác giả đã phân tích 20 nghiên cứu trước đây về sử dụng bột nghệ hàng ngày (bao gồm dữ liệu của 526 bệnh nhân), tất cả đều uống ít nhất một tháng và thấy rằng 5% số đối tượng trong các nghiên cứu này phát triển những vấn đề về gan, bao gồm men gan và bilirubin bất thường. Tuy nhiên, những kết quả này không nhất thiết chỉ ra rằng chức năng gan của người tham gia đã thực sự bị suy giảm hoặc kết quả xét nghiệm bất thường là hệ quả trực tiếp của việc uống nghệ. Điều quan trọng cần nhớ là đại đa số những người tham gia trong các nghiên cứu này không phát triển các vấn đề về gan.

Cũng chưa rõ liệu bản thân nghệ hay một chất khác trong chế phẩm bổ sung có thể gây ra những vấn đề này. "Bản thân nghệ có thể gây ra vấn đề, hoặc sự tương tác giữa nghệ hoặc các thành phần khác có trong bột nghệ (như piperine, có thể làm thay đổi chuyển hóa của các thuốc khác) với các thuốc được dùng đồng thời cũng có thể dẫn đến vấn đề". BS. Funk nói.

Nói chung nên thận trọng khi uống bất kì chế phẩm bổ sung nào, kể cả nghệ.

Đó là vì các thực phẩm chức năng không được FDA quản lý giống như các loại thuốc, mà các công ty sản xuất sẽ chịu trách nhiệm đánh giá độ an toàn cũng như ghi nhãn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường

“Hiện có rất nhiều người uống các loại thực phẩm chức năng chưa thực sự được quản lý nghiêm ngặt hoặc nghiên cứu kỹ”, Steven Flamm, Giám đốc y khoa của chương trình ghép gan tại Bệnh viện Northwestern Memorial, nói. "Mọi người thường nghĩ rằng nếu một thứ gì đó không cần đơn bác sĩ thì nó sẽ an toàn và hiệu quả, nhưng điều đó không đúng".

Một vấn đề với việc thiếu quy định nghiêm ngặt là rất khó để nói có bao nhiêu curcumin trong một sản phẩm nghệ, Anurag Maheshwari, bác sĩ chuyên khoa gan tại Trung tâm bệnh gan mật, Trung tâm y tế Mercy, nói.

“Nghệ đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phụ gia thực phẩm ở châu Á và được biết là rất an toàn để sử dụng - bao gồm cả với gan”, BS. Maheshwari nói. Nhưng có sự khác biệt giữa việc sử dụng nghệ như một loại gia vị trong cà ri và dùng nó như một thực phẩm chức năng, thường chứa nồng độ cao hơn nhiều. Mặc dù vậy, nghệ vẫn thường được kê đơn trong y học cổ truyền với liều cao để chữa ho và cảm lạnh và “không thấy có bất kỳ đặc tính độc cho gan nào”.

Vì vậy, vấn đề với bệnh nhân cụ thể này có thể là các thành phần khác trong các thực phẩm chức năng tương tác với gan hoặc với các thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng.

Bạn không nhất thiết phải ngừng dùng thực phẩm chức năng, nhưng cần hỏi bác sĩ về chúng.

Nếu bạn đã có vấn đề về gan, có lẽ bạn nên cảnh giác với các chế phẩm bổ sung bột nghệ, mặc dù mức độ lo ngại còn chưa rõ. Nếu có vấn đề về gan, bạn nên nói với bác sĩ nếu định uống bột nghệ và xem xét kiểm tra chức năng gan định kỳ.

"Nói chung, tôi lo ngại về những người sử dụng mà không có ý kiến bác sĩ", BS. Flamm nói. Một số có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng, và điều đó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe không lường trước.

Nếu có thể, cũng nên mang theo các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng khi đi khám bác sĩ để họ có thể kiểm tra xem liệu có bất kỳ thành phần nào được liệt kê có thể gây ra vấn đề cho bạn hay không.