Cả gia đình mắc bệnh

Cầm kết quả xét nghiệm với thông báo dương tính với vi rút viêm gan siêu vi C trên tay, bà Nguyễn Thị D. (62 tuổi, ngụ tại Long An) thất thần ngồi ngoài phòng bệnh gạt nước mắt.

Bệnh nhân cho hay, hơn 1 tháng trước, bà có biểu hiện bị ngứa toàn thân, cảm giác tăng dần kèm theo vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, bà chỉ ra hiệu thuốc tây khai bệnh, được người bán cho thuốc dị ứng về uống.

viem gan sieu vi dang tan pha suc khoe cong dong
Bệnh nhân viêm gan siêu vi tiến triển sang giai đoạn nặng điều trị tại khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy

Đến khi bệnh mỗi ngày một nặng với triệu chứng đau nhiều ở vùng bụng, bà đến bệnh viện địa phương kiểm tra, sau đó được giới thiệu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Sau khi thông báo kết quả, bác sĩ đề nghị bà nhập viện điều trị vì bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan nặng.

Từ thông tin của người bệnh được biết hơn 10 năm trước chồng bà đã tử vong vì mắc viêm gan C, người con trai duy nhất của họ nay đã ngoài 40 tuổi, đã có vợ con cũng đang mang trong mình căn bệnh này.

Tạo khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Nguyễn Văn H. (58 tuổi) được xác định mắc viêm gan siêu vi C đã diễn tiến sang giai đoạn ung thư gan. Theo BS Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan, có tới gần 41% bệnh nhân đến thăm khám điều trị tại khoa khi đã ở giai đoạn rất nặng, không còn khả năng cứu chữa, việc điều trị chỉ giúp người bệnh duy trì được sự sống thêm một khoảng thời gian nhất định.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Thông tin từ TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết, mỗi tháng tại đây tiếp nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám các bệnh lý về gan. Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 384 trường hợp phải nhập viện điều trị vì bệnh viêm gan (chủ yếu là viêm gan C) đã ở giai đoạn nặng.

“Đừng thờ ơ với căn bệnh chết người”

Trao đổi với phóng viên, GS Phạm Hoàng Phiệt, Phó chủ tịch Hội Gan - Mật Việt Nam cho hay: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm những quốc gia có bệnh viêm gan siêu vi lưu hành ở mức cao. Ước tính có khoảng 10% dân số mắc viêm gan siêu vi B và 3% dân số mắc viêm gan siêu vi C”.

Theo GS Hoàng Phiệt, nếu xét ở mức độ nguy hiểm thì bệnh viêm gan do vi rút, đặc biệt là viêm gan C có thể chỉ đứng sau căn bệnh HIV. Ý thức được sự nguy hiểm trên WHO đã lấy ngày 28/7 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống viêm gan. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phòng chống loại bệnh này của ngành y tế Việt Nam chưa đủ để thức tỉnh người dân, bằng chứng chính là số người mắc bệnh nhập viện ở giai đoạn muộn ngày càng nhiều, hệ thống xét nghiệm tầm soát bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, người dân khó tiếp cận...

viem gan sieu vi dang tan pha suc khoe cong dong
GS Hoàng Phiệt khuyến cáo cộng đồng không nên thờ ơ với căn bệnh viêm gan siêu vi

Cơ chế lây truyền của căn bệnh viêm gan siêu vi tương tự như bệnh HIV (lây qua đường máu, tình dục, từ mẹ sang con). Ngoài nhóm người lạm dụng rượu bia, nghiện chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ đồng giới có nguy cơ cao thì lối sống với sinh hoạt “chung đụng” các vật dụng thường ngày như bấm móng tay, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ lấy ráy tai... diễn ra hàng ngày tại các gia đình người Việt đang gia tăng nguy cơ truyền bệnh.

Viêm gan siêu vi C là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mạn tính kéo dài hàng chục năm, nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Để chủ động phòng bệnh, GS Hoàng Phiệt khuyến cáo cộng động (đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao) không nên thờ ơ với căn bệnh chết người này. Mỗi người cần đi tầm soát các bệnh lý viêm gan nói chung và viêm gan C nói riêng ít nhất 1 lần trong đời khi chưa có biểu hiện bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Những trường hợp mắc bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không nên tin vào những quảng cáo “có cánh” của các mặt hàng thực phẩm chức năng (chỉ hỗ trợ điều trị) hoặc các phương thuốc đông y bởi đến nay chưa có bài thuốc nào cho thấy tính hiệu quả rõ ràng trong điều trị bệnh lý viêm gan.