Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na rải vụ
Ứng dụng KHKT vào thâm canh cây na rải vụ tại huyện Võ Nhai. |
4 quy trình kỹ thuật để thâm canh cây Na rải vụ phù hợp với tỉnh Thái Nguyên được chuyển giao, những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, thành thạo quy trình, kỹ thuật, mô hình Na rải vụ với quy mô diện tích 3 ha trên địa bàn huyện Võ Nhai sau hơn 3 năm triển khai đã thành công khi cho sản lượng 130-160 tạ/ha.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh xây dựng mô hình thâm canh na rải vụ trên địa bàn huyện Võ Nhai, với diện tích là 3ha được triển khai tại xã La Hiên và Phú Thượng, qua 1 thời gian triển khai thực hiện đến nay đã có hiệu quả về kinh tế, hiệu quả đối với rải vụ na là khi chín sớm thì sẽ giảm được áp lực về tiêu thụ chính vụ, na sớm đầu vụ thì giá trị sẽ cao hơn so với la chính vụ".
La Hiên và Phú Thượng là những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện Võ Nhai. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, chất đất, nguồn nước phù hợp, nơi đây được quy hoạch để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây na mang giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, mặc dù nổi tiếng về chất lượng, song quá trình thu hoạch chỉ tập trung trong thời gian ngắn từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm dẫn đến tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Chính vì vậy, dự án áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ cho thu hoạch quả suốt từ tháng 8 đến tận đầu tháng 12.
Ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết: "Dự án này được triển khai người nông dân sẽ chủ động được trong sản xuất".
Với cách làm này, cây na không chỉ ra quả làm nhiều đợt mà còn cho năng suất cao hơn hẳn, với na sớm khoảng 2 tấn, chính vụ khoảng 2 tấn và hơn 3 tấn na trái vụ, giá bán bình quân đều cao hơn hẳn so với cách trồng thông thường; chất lượng cũng như mẫu mã đều đẹp và ngon, ngọt đậm.
Ông Kiều Thượng Chất, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết thêm: "Qua thu thập được kinh nghiệm thì tôi cũng đã mạnh dạn áp dụng vào thêm cả rải vụ na là na thái và na Đài, hiện tại tôi đang trồng sen kẽ trong vườn thấy rằng một năm những cây này đều có từ hai đến ba lứa quả. Hy vọng sản phẩm đưa ra thị trường sẽ được giá cao hơn".
Để thực hiện mô hình na rải vụ, Chi cục Phát triển nông thôn đã quan tâm triển khai mô hình điểm tưới nước tự động cho hộ gia đình tham gia dự án, đồng thời Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp vật tư đã cấp đầy đủ các loại phân bón, chất kích thích sinh trưởng, vật tư dụng cụ cấp phát đúng chuẩn chủng loại đủ số lượng đạt yêu cầu, đúng tiêu chuẩn ngành quy định. Xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyển giao chính quyền địa phương tổ chức hội thảo với mục đích để trao đổi thảo luận các nội dung thực hiện dự án, thông qua các cuộc hội thảo cũng hướng tới, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lành Văn Hữu, HTX Nông lâm nghiệp Phú Lượng, huyện Võ Nhai cho biết: "Khi mô hình có hiệu quả rồi thì HTX chúng tôi cũng đang tuyên truyền tới các xã viên tiếp tục mở rộng mô hình để diện tích na rải vụ được tăng lên".
Ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai thông tin: "Chúng tôi hướng dẫn hỗ trợ bà con nhân dân về khoa học kỹ thuật, về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu để bà con có thể mở rộng diện tích trồng na thực hiện mô hình na rải vụ, trên cơ sở đó UBND xã đã thực hiện cấp mã vùng trồng, giấy chứng nhận VietGap".
Mô hình thâm canh na rải vụ tiếp tục được định hướng nhân rộng tại các vùng trồng na trên địa bàn huyện Võ Nhai. Không chỉ nâng cao sản lượng, giá trị hàng hóa mà còn tạo ra sản phẩm nông sản mang bản sắc bản địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, góp phần xoá đói vươn lên làm giàu cho người dân trong vùng./.