Tưng bừng Lễ Khai giảng năm học mới
* Huyện Đồng Hỷ:
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. |
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp huyện đến cơ sở. Các chỉ tiêu nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch như: Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ 3-5 tuổi ra lớp tăng 0,5%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%.
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo".
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất đối với các điểm trường khó khăn để nâng cao môi trường học tập cho các em học sinh; đồng thời, huy động sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của nhân dân để đầu tư cho các em học tập".
* Huyện Phú Bình:
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức. |
Huyện Phú Bình hiện có 61 trường mầm non, tiểu học và THCS, với tổng số gần 37.000 học sinh. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức; củng cố, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS ở cấp tiểu học và THCS.
Ngay trước thềm khai giảng năm học mới, HĐND tỉnh vừa được thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 24 về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mần non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên. Với việc Nghị quyết đưa vào thực hiện sẽ giúp việc thuê khoán giáo viên của huyện Phú Bình cũng như toàn tỉnh cũng dễ dàng hơn, tháo gỡ khó khăn bài toán thiếu giáo viên hiện nay.
PB giáo viên định mức khoán
* Huyện Phú Lương:
Nhìn lại năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện Phú Lương đã tích cực triển khai, thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp tăng 40,5% so với năm học trước; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 100% nhà trường đã thực hiện việc xác thực định danh trên cơ sở dữ liệu ngành. Toàn huyện hiện có trên 90% trường đạt chuẩn Quốc gia… Bên cạnh đó, huyện đã phân bổ lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo phòng học và các phòng chức năng, với số tiền gần 60 tỷ đồng; đầu tư 6 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị trường học. Đây là nền tảng để toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học 2023-2024.
* TP Thái Nguyên:
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, TP Thái Nguyên đã đầu tư nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Năm học 2022-2023, thành phố có tổng số 152 trường học với trên 75.000 học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án về giáo dục. Việc sắp xếp các trường, điểm trường được quan tâm triển khai: Giảm 3 điểm trường của cấp mầm non; giải thể 1 trường mầm non ngoài công lập; thành lập mới 2 trường mầm non ngoài công lập; tách Trường Tiểu học Đội Cấn thành 2 trường.
Với mục tiêu tiếp tục tăng cường nền nếp kỷ cương; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và phát triển phẩm chất, năng lực người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, năm học này, thành phố Thái Nguyên sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì và tiếp tục tăng số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn trong các nhà trường phấn đấu giữ vững và ngày càng phát triển.
* Huyện Võ Nhai:
Năm học 2023-2024, huyện Võ Nhai có trên 16.000 học sinh, gần 1.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã tập trung rà soát toàn bộ điều kiện phục vụ dạy học để kịp thời chỉnh trang, sửa chữa lớp học, mua sắm các trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ định mức theo quy định; tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Riêng trong dịp hè vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo sửa chữa, cải tạo 16 công trình lớp học, nhà công vụ giáo viên với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới. Huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nguồn nhân lực, sách giáo khoa để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
* Huyện Định Hóa:
Năm học 2023-2024, huyện Định Hóa có 835 lớp, nhóm lớp với tổng số trên 23.000 học sinh. Để bảo đảm trường, lớp cho năm học mới, ngay sau khi học sinh nghỉ hè, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập được các trường nhanh chóng triển khai thực hiện. Đối với việc thiếu giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh và các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục huyện cũng đã kịp thời bổ sung giáo viên giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Năm học mới đã đến, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa quyết tâm thi đua dạy tốt - học tốt, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
* TP Phổ Yên:
Năm học 2022-2023 vừa qua, thành phố Phổ Yên đã tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho 100% giáo viên ở các trường; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 20 dự án xây mới nhà lớp học, với dự toán kinh phí trong 2 năm đạt trên 200 tỷ đồng.
Năm học 2023-2024, thành phố đề ra mục tiêu duy trì 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; học sinh THCS đạt học lực từ trung bình trở lên chiếm hơn 95%; duy trì kết quả trên 99% học sinh tốt nghiệp THPT; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục...
PB học sinh khối lớp 10
* Huyện Đại Từ:
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", năm học 2023-2024, huyện Đại Từ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học. Năm học này, toàn huyện có gần 41.000 học sinh, tăng gần 30 lớp với trên 1.000 học sinh so với năm học trước. Huyện cũng đã bố trí nguồn kinh phí trên 100 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học. Việc tuyển dụng giáo viên mới cũng đã được thực hiện, đáp ứng yêu cầu giảng dạy khi bước vào năm học mới.
* TP Sông Công:
Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, TP Sông Công đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải tạo trên các công trình nhà lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Hiện nay, toàn thành phố có 30/34 trường đạt chuẩn Quốc gia; 12/30 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Năm học này, ngành Giáo dục TP Sông Công phấn đấu tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 35%, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 96,5%; tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%...
* Năm học 2023- 2024, tỉnh Thái Nguyên có trên 336.000 học sinh, tăng gần 3.000 học sinh so với năm học trước. Trong năm học này, cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học. Trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo; bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phục vụ năm học mới, đặc biệt là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Bên cạnh 1.309 biên chế giáo viên vừa được tuyển dụng, ngay trước thềm lễ khai giảng, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24 năm 2021 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh. Với những chủ trương, chính sách kịp thời này đã góp phần từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua…
Tiếng trống trường đã điểm... một năm học mới đã bắt đầu, khởi nguồn cho những hy vọng mới. Cùng với cả nước, lễ khai giảng năm học mới tại Thái Nguyên đã được tổ chức thành công. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà cũng sẽ thi đua dạy tốt - học tốt; “mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo” đúng như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát biểu với toàn ngành trước thềm năm học mới./.