Trung Quốc bị "tố" lắp hệ thống vũ khí trên 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa
Ảnh chụp vệ tinh của CSIS hồi tháng 11 cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần trên đá Xu Bi ở Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ hôm qua 14/12 cho biết, họ đã theo dõi việc xây dựng trái phép các cấu trúc lục giác kỳ lạ của Trung Quốc trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam kể từ tháng 6 và tháng 7 năm nay. Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đường băng quân sự dài.
“Hiện giờ có vẻ như những cấu trúc này là phiên bản nâng cấp của các hệ thống phòng thủ nhỏ hơn mà Trung Quốc đã xây ở đá Tư Nghĩa, Gaven, Gạc Ma, và Châu Viên”, AMTI cho biết dựa trên phân tích ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 11.
Ảnh chụp vệ tinh hôm 10/11/2016 cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần trên đá Chữ Thập. (Ảnh: Reuters) |
Ảnh chụp vệ tinh đá Gaven và Tư Nghĩa cho thấy, Trung Quốc có vẻ như đã trắng trợn lắp đặt tại đây các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) để phòng vệ trước các cuộc tấn công tên lửa hành trình, AMTI nhận định. Trong khi đó, ảnh chụp vệ tinh đá Chữ Thập cho thấy các tháp dường như có gắn radar nhắm mục tiêu.
AMTI nhận định: “Các súng phòng không và hệ thống CIWS cho thấy Bắc Kinh đang rất chú ý đến việc phòng vệ tại các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông. Đây sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng chống tên lửa hành trình do Mỹ hoặc một số nước phóng đi, nhằm vào các căn cứ không quân phi pháp sắp vận hành của Trung Quốc”.
Ảnh chụp vệ tinh hôm 29/11/2016 cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần trên đá Gạc Ma. (Ảnh: Reuters) |
Giám đốc AMTI, ông Greg Poling, cho biết ông đã dành nhiều tháng để cố tìm hiểu mục đích xây dựng những cấu trúc này của Trung Quốc là gì. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tự tin nói rằng chúng là các súng phòng không và hệ thống CIWS. Chúng tôi từng không biết họ có hệ thống lớn và tân tiến như thế ở đó. Đây là hành động quân sự hóa. Trung Quốc có thể biện hộ rằng chúng chỉ nhằm mục đích phòng vệ nhưng rõ ràng việc lắp đặt các hệ thống súng phòng không và CIWS cỡ lớn nghĩa là đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai. Họ luôn nói rằng không quân sự hóa Biển Đông, nhưng họ có thể triển khai chiến đấu cơ và tên lửa đất đối không ngay ngày mai nếu muốn”, ông Poling nói.
Ảnh chụp vệ tinh hôm 23/11/2016 cho thấy Trung Quốc dường như đã lắp các súng phòng không và hệ thống vũ khí tầm gần trên đá Tư Nghĩa. (Ảnh: Reuters) |
Mỹ từng nhiều lần chỉ trích cái gọi là hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây cũng lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh phô diễn quân sự ở Biển Đông. Ông Trump cũng phát tín hiệu sẽ theo đuổi chính sách cứng rắn hơn so với chính quyền của Tổng thống Barack Obama trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực.
Phát biểu tại Viện Lowy, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, ngày 14/12 khẳng định nước này sẽ không để Trung Quốc tự ý hành động ở Biển Đông và sẵn sàng đương đầu khi cần thiết. Ông Harris đã kêu gọi các nước tham gia vào hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.