Trồng chanh, nuôi bò “1 vốn, 4 lời” ở Tây Ninh
Năm 2016, anh Lê Tấn Lâm vay tiếp 40 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đầu tư trồng chanh, nuôi bò. Đến nay, mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Giải ngân vốn Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. |
Hộ nghèo mạnh dạn vay vốn
Gia đình anh Lê Tấn Lâm ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để vươn lên thoát nghèo. Năm 2005, thông qua Hội ND xã Hiệp Thạnh, vợ chồng anh Lâm được vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Dầu.
Anh Lâm nhớ lại: “Từ số tiền được vay, tôi mua 1 con bò cái, 2 vợ chồng vừa làm thuê vừa cắt cỏ nuôi bò. Bò sinh sản đều lắm. Đến năm 2013, nhà tôi có được 8 con bò và gia đình cũng đã thoát nghèo, nên tôi bán toàn bộ đàn bò để xây nhà ở kiên cố và mua thêm được 4.000m2 đất canh tác”.
"Bây giờ thì cuộc sống gia đình ổn hơn trước rất nhiều, không những hết nghèo mà còn khấm khá lên. Tất cả cũng nhờ 2 lần vay vốn của Ngân hàng CSXH để làm ăn…”. Anh Lê Tấn Lâm |
Năm 2016, cũng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội ND, vợ chồng anh Lê Tấn Lâm mạnh dạn vay tiếp 40 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Dầu để mua 2 con bò đực giống và trồng hơn 100 cây chanh trên diện tích đất mua thêm năm nào.
Đến nay, với gần 5.000m2 trồng chanh, mỗi tháng gia đình anh thu hoạch trên 10 tấn quả. Mỗi năm, bình quân vườn chanh mang lại cho gia đình anh Lâm trên 150 triệu đồng.
Ngân hàng đưa vốn, dân học cách làm ăn
Gia đình chị Phạm Thị Kim Luân, ngụ ấp Bến Đình, xã Thạnh Đức cũng từng là hộ nghèo, không có đất sản xuất. Từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng CSXH năm 2005 để đầu tư chăn nuôi, đến nay chị đã có nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định. Nhà chị Luân đang nuôi 4 con trâu và có 1ha đất canh tác lúa.
Chị Luân chia sẻ: “Năm 2005, được Hội ND xã ủy thác vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Dầu, tôi quyết định mua 2 con trâu nhỏ nuôi vỗ béo để bán. Nuôi đến giai đoạn trâu trưởng thành, gia đình bán và dùng vốn đó mua những con nhỏ về gầy lại. Đến năm 2010, sau khi trả hết nợ, gia đình tôi lại vay tiếp 20 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu vỗ béo và mở sạp bán ở chợ. Hiện nay kinh tế gia đình đã ổn định, có nhà cửa khang trang và cũng đã mua thêm được 1ha đất trồng lúa. Ngân hàng cho vay vốn đầu tư, Hội ND và các ngành tập huấn kỹ thuật, tư vấn cách làm ăn. Vậy nên việc làm ăn khấm khá lên thấy rõ…”.
Theo ông Trương Văn Út Hậu - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Dầu, qua hơn 15 năm thành lập đến nay, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với chính quyền địa phương và 4 tổ chức hội, đoàn thể, trong đó có Hội ND, thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ hơn 400 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện Gò Dầu đã có hơn 26.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Dầu, bà con nông dân yên tâm khi vay vốn từ Ngân hàng CSXH vì lãi suất thấp, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài, phương thức phục vụ thuận tiện. Chính điều này đã tạo tâm lý khá thoải mái để bà con nông dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất./.