Trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao
Mục tiêu của dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” là trồng cây to, cho hiệu quả kinh tế ngay.

Hiện nay, mô hình vườn cây ăn quả của gia đình ông Vũ Huy Nam, xã Quyết Thắng, Phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên đã cho thu hoạch quả. Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân được gia đình kiểm soát nghiêm ngặt. Từng công đoạn chăm sóc vườn cây dự án đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận.

Gia đình chủ yếu sử dụng phân hữu cơ thân thiện với môi trường để bón cho cây. Đặc biệt, nhờ được hỗ trợ từ dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, gia đình ông Nam đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân bán tự động nên đã cho ra những quả bưởi, mít, xoài chất lượng.

Ông Vũ Huy Nam, Phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên nhận xét về hiệu quả ban đầu: “Việc hỗ trợ của dự án và cán bộ kỹ thuật đối với gia đình đã đem lại hiệu quả kinh tế. Cây trồng từ giai đoạn đầu là cây đã trưởng thành đến ra hoa kết trái đều được hỗ trợ kỹ thuật tỉ mỉ nên kết quả rất khả quan, ra quả có chất lượng hơn hẳn mọi năm”.

Ngoài hệ thống tưới nước hoàn toàn tự động, việc lựa chọn, kiểm định cây giống cũng như quy trình chăm sóc được thực hiện khá gắt gao. Mô hình được liên kết với người nông dân để thực hiện nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Các hộ tham gia mô hình còn được cung cấp phân bón, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Được biết, mô hình trồng bưởi đào đường, mít siêu sớm da xanh trên địa bàn xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên do anh Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” cũng là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông lâm, triển khai từ cuối năm 2019 và được đầu tư khá công phu.

Ngoài triển khai tại TP Thái Nguyên, Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi còn thực hiện mô hình tại 2 xã Bản Ngoại và Quân Chu, huyện Đại Từ với quy mô 6 ha. Sau hơn 1 năm, cây trồng tại mô hình đã cho những trái ngọt đầu tiên.

Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông Lâm phân tích các kết quả ban đầu mà dự án thu được: “Với vai trò là chủ đề tài, đơn vị chủ trì đã triển khai cơ bản đúng quy trình đã định sẵn. Công nghệ cao ở đây là trồng cây to, hệ thống tưới dinh dưỡng song hành theo hệ thống tưới nước giúp tiết kiệm nước. Đối chứng với vườn bên cạnh thì mô hình này đã phát triển tốt hơn, cây ăn quả ra nhiều hơn và chất lượng quả tốt hơn nhiều những vườn không thực hiện theo quy trình”.

Để thực hiện hiệu quả dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, Chủ nhiệm dự án đã đưa ra nhiều giải pháp lựa chọn vùng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý giống cây ăn quả và một số giải pháp liên quan đến thị trường và tổ chức sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cũng nhờ áp dụng công nghệ trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả nên đã đem lại hiệu quả kinh tế sớm và cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Trường Đại học Nông Lâm thông tin thêm: “Áp dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế ngay. Nếu mình trồng cây nhỏ từ vườn ươm thì phải chờ từ 3-4 năm sau mới cho thu hoạch. Còn theo mô hình này, cây ăn quả ngay từ năm thứ nhất, thứ 2 đã cho thu hoạch với năng suất khá ổn định”.

Có thể thấy, việc phát triển các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cho người nông dân, góp phần quan trọng trong nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm cây trồng; từng bước tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp./.