Triều Tiên đang khéo léo cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nỗ lực theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng khi vừa muốn tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa muốn duy trì quan hệ đồng minh thân thiết hàng thập kỷ qua với Bắc Kinh.
Triều Tiên đang khéo léo cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc?. Ảnh: Getty Images |
Triều Tiên nỗ lực cân bằng Mỹ-Trung
Cuộc gặp thứ 2 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) hồi tháng đầu 5 được giới phân tích nhìn nhận là “một đòn ngoại giao” trước cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Theo đó, Triều Tiên muốn khẳng định quan hệ đồng minh Bình Nhưỡng-Bắc Kinh. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết, Triều Tiên có thể đưa ra yêu cầu Mỹ rút 28.000 binh sĩ đang đồn trú tại Hàn Quốc, đúng với ý muốn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chiều ngày 26/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không nhắc tới yêu cầu Mỹ rút quân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Triều Tiên đã thể hiện sự “thịnh nộ và thù địch” bất chấp việc đã đồng ý tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh. Ông Trump cho rằng, Triều Tiên thay đổi thái độ nhanh chóng sau khi ông Kim Jong-un gặp ông Tập Cận Bình hồi đầu tháng 5. Đây cũng là một cuộc gặp bất ngờ, vì trước đó khoảng 40 ngày 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên-Trung Quốc đã có cuộc gặp bí mật tại Bắc Kinh.
Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn luôn khẳng định vai trò tích cực của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Washington tuần trước khẳng định: “Nếu Mỹ muốn hòa bình với Triều Tiên và muốn làm nên lịch sử thì đây chính là thời điểm để tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có”.
Tại cuộc gặp mới nhất với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định cam kết sẽ gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan cũng cho biết, quyết định của Mỹ hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên đã làm gia tăng sự đối đầu giữa 2 bên. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên cần thiết phải gặp mặt để giải quyết mối quan hệ thù địch này.
“Triều Tiên muốn phía Mỹ một lần nữa biết rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán cùng Washington bất cứ lúc nào”, KCNA đưa tin.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nỗ lực hết mức để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Trump và sự kiện này sẽ là một khởi đầu tốt.
“Chúng tôi sẽ không thay đổi mục tiêu của mình và sẽ làm mọi điều có thể vì hòa bình và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên và cho nhân loại. Chúng tôi thiện chí, cởi mở và sẵn sàng để Mỹ có thời gian và cơ hội quyết định”, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nhấn mạnh.
Vai trò trung gian sống còn của Hàn Quốc
Theo các nhà quan sát, sốt sắng nhất lúc này có lẽ là Hàn Quốc. Cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều thứ 2 cho thấy, quyết tâm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trở lại đúng lộ trình.
Với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim sẽ là sự đảm bảo sống còn để Hàn Quốc và Triều Tiên thực hiện tốt hơn Tuyên bố Bàn Môn Điếm đạt được trong cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 và cả triển vọng ký kết một Hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt cuộc chiến 1950-1953.
Hàn Quốc có lẽ đặt nhiều hy vọng nhất cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra theo kế hoạch ngày 12/6 tới tại Singapore. Và có nhiều cơ sở để tin vào “kỳ tích” này khi cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên sẽ thực sự diễn ra.
Trong thông báo mới nhất hôm qua (27/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng ông vẫn mong đợi sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn có lời khuyên về cuộc gặp với Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra tại Singapore. Và ông Kim muốn lời khuyên từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in”, Giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul nhận định.
The Korea Times dẫn lời Giáo sư Kim Yong-hyun cho rằng, ông Kim Jong-un dường như muốn biết quan điểm của ông Trump về phi hạt nhân hóa, đồng thời muốn chuyển tới Tổng thống Mỹ ý định phi hạt nhân hóa của mình. Do đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ là người có lời nói thuyết phục.
Các quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều thứ 2 đã khẳng định vai trò trung gian của Tổng thống Moon giữa Mỹ-Triều Tiên. “Tổng thống Moon đã gặp cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên trong tuần qua. Ít nhất, ông Moon đã giúp các nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đối thoại gián tiếp”.
Theo một số nhà phân tích an ninh, Triều Tiên có thể hợp tác với Mỹ một cách chân thành trong công tác chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh. Giới quan sát chỉ ra rằng, chính hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đã thông tin về lời cam kết của ông Kim Jong-un với Tổng thống Moon trong việc cải thiện quan hệ với Washington. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực để thiết lập hệ thống hòa bình “lâu dài và bền vững” trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Cho Sung-ryul tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể thúc đẩy một Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên ngay sau cuộc gặp Trump-Kim.
“Các cuộc đàm phán chung giữa 3 nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn-Triều có thể diễn ra tại Singapore khi họ đều liên quan tới cuộc chiến tranh Triều Tiên và có thể là cân nhắc một Hiệp ước hòa bình”, ông Cho Sung-ryul nói./.