Triển vọng từ mô hình trồng sâm Bố Chính đầu tiên nơi bản cao
Gia đình chị Vương Thị Tung là hộ đầu tiên ở Bản Tèn tham gia vào mô hình trồng sâm Bố Chính |
Gia đình chị Vương Thị Tung là hộ đầu tiên ở Bản Tèn tham gia vào mô hình trồng sâm Bố Chính. Đây là loại cây trồng mới đối với họ, cũng là lần đầu tiên họ biết đến trồng cây sâm trên núi đá. Sau những tâm huyết, nỗ lực vận động của Công ty cổ phần VGinseng và chính quyền địa phương, với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, sau vài tháng, lứa đầu tiên bán hoa đã được số tiền gần 20 triệu.
Chị Vương Thị Tung, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Bây giờ trồng sâm Bố Chính cho thu nhập cao hơn và ổn định hơn. Rất mong là bà con trên này cùng nhau trồng sâm Bố Chính để phát triển hơn".
Sâm Bố Chính có nguồn gốc từ Quảng Bình và đã được công ty trồng tại Thái Nguyên khoảng 10 năm nay với 7ha ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương và xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Sau nhiều lần khảo sát, nhận thấy chất đất núi đá ở Bản Tèn có mùn hữu cơ tự nhiên rất thích hợp với cây sâm, phù hợp để tạo ra củ sâm dược tính tốt, chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần VGinseng đã quyết tâm đưa cây sâm Bố Chính lên trồng tại đây, để đồng hành giúp bà con thoát nghèo. Đây là đơn vị đầu tiên nghiên cứu, trồng, sản xuất và phân phối sâm Bố Chính tại Thái Nguyên và cũng là đơn vị đầu tiên đưa mô hình trồng sâm lên núi đá bản Tèn.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty cổ phần VGinseng, Thái Nguyên cho biết: "Chất đất núi đá có những chất mùn khoáng tự nhiên từ trên núi xuống nên đất rất là tơi xốp và nó tạo ra được củ sâm có nhiều dược tính tốt hơn so với trồng ở những vùng khác. Năm 2024 công ty chúng tôi rất mong muốn được các sở, ban, ngành hỗ trợ để chúng tôi mở rộng vùng nguyên liệu. Chúng tôi cũng muốn các sản phẩm của Bản Tèn đạt OCOP và nâng cao cuộc sống cho bà con ở trên này".
Năm 2023, công ty đã cùng một số người dân thành lập tổ hợp tác, hỗ trợ 100% kinh phí về giống, phân hữu cơ, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để 4 hộ với hơn 10 lao động tham gia trồng sâm Bố Chính trong các thung lũng núi đá.
Ông Vương Văn Minh, Trưởng xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: "Mấy năm trước chỉ trồng Ngô không thì nó không năng suất, trong năm 2023 đã được hỗ trợ trồng Sâm chúng tôi thấy cuộc sống được là khá lên".
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ mong muốn: "Công ty sẽ tiếp tục giúp đỡ và mở rộng mô hình cho các hộ tại Bản Tèn cũng như là các xóm lân cận cho đồng bào khó khăn có điều kiện, vừa tận dụng được nguồn đất của địa phương cũng như để bà con thực hiện thí điểm nhân rộng mô hình để nâng cao sản xuất cũng như là đời sống kinh tế cho bà con tại địa phương".
Có những gia đình đã có thu nhập gần 100 triệu từ trồng sâm Bố Chính |
Sau khi nắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm Sâm Bố chính, cũng như hiểu được giá trị kinh tế đối với cây trồng này, đã có thêm nhiều hộ dân chủ động tham gia phát triển sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình, từ đó hình thành chuỗi liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, góp phần quan trọng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao về mô hình: "Trong việc lựa chọn những cây trồng thích hợp cho Bản Tèn thì trong những năm vừa qua các cơ quan chức năng cũng như Văn phòng Điều phối NTM cũng rất trăn trở để tìm hướng đi, cách lựa chọn những cây trồng phù hợp. Ở đây phù hợp với cả điều kiện tự nhiên khí hậu cũng như phù hợp với trình độ canh tác của bà con nông dân ở Bản Tèn. Mô hình trồng thử nghiệm về cây sâm Bố Chính trên Bản Tèn bước đầu đã đem lại kết quả, được bà con phấn khởi đón nhận. Có những gia đình đã có thu nhập tới gần 100 triệu, đây là điều rất đáng quý với một cái mô hình về xây dựng nông nghiệp và trong đó đặc biệt là Bản Tèn ở vùng mà đồng bào người dân tộc Mông rất là khó khăn. Như vậy chúng tôi cũng đang muốn phối hợp với Công ty cổ phần VGinseng này thì sẽ thành lập tổ hợp tác trong hợp tác xã, hướng tới sự bền vững, tạo ra được sản phẩm có nhãn hiệu, có thương hiệu, có quy mô lớn hơn".
Gieo hy vọng nơi vùng cao từ sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, sẽ thay đổi tư duy, nâng cao đời sống người dân, mang đến bản Tèn diện mạo mới, cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng./.