Triển vọng từ du lịch văn hóa tâm linh
Những năm qua, thực hiện chiến lược quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên, nhiều tuyến, điểm du lịch nổi bật đã được đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách.

Những năm qua, thực hiện chiến lược quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên, nhiều tuyến, điểm du lịch nổi bật đã được đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Di tích Lý Nam Đế (thành phố Phổ Yên) - Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, Chùa Hang (thành phố Thái Nguyên), Đền Đuổm (huyện Phú Lương) - Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (huyện Định Hóa); Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc - Di tích Núi Văn, Núi Võ - Di tích lịch sử 27/7 - Khu du lịch hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ); Cụm Di tích Đình đền chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình)... Có thể nói, đây sẽ là dòng sản phẩm du lịch văn hóa rất hấp dẫn, đặc trưng của Thái Nguyên.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Nguyên Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho hay: "Thái Nguyên là một điểm đến có nhiều địa điểm về văn hóa tâm linh, có thể đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng khách khác nhau. Tôi thấy sự phát triển của du lịch văn hóa tâm linh của Thái Nguyên đang rất tốt".

Triển vọng từ du lịch văn hóa tâm linh
Du lịch văn hóa, tâm linh luôn được Thái Nguyên coi trọng, phát triển.

Bề dày của văn hóa gắn với truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc ở Thái Nguyên không chỉ mang lại nhiều sự ngạc nhiên, thích thú cho các du khách, mà còn mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành ở các tỉnh lân cận.

Ông Ngô Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ lữ hành và sự kiện F, TP. Hà Nội cho biết: "Tôi thấy đền chùa ở Thái Nguyên rất đẹp và có tiềm năng rất lớn".

Xác định sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là “mỏ vàng” có thể tạo nguồn thu cho du lịch, nhưng để hấp dẫn du khách hơn nữa, nhất là khách quốc tế, Thái Nguyên ngoài việc tập trung đầu tư về nguồn lực thì cần thiết kế sản phẩm du lịch giúp tăng cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần cho du khách trên cơ sở dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Nguyên Phó Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Đối với chất lượng nhân lực, đặc biệt là hướng dẫn viên, chuỗi phục vụ du khách cần nghiên cứu để điều chỉnh lại, tạo ra một sự phối hợp đồng bộ".

Đại đức Thích Thanh Trí, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng phối hợp với các sở, ban, ngành, nhất là MTTQ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo đến các chùa có di tích để nâng tầm và mọi người biết đến".

Du lịch văn hóa, tâm linh luôn được Thái Nguyên coi trọng, phát triển, trong đó du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn vẫn là cốt lõi của du lịch xứ Trà, đồng thời nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xây dựng dịch vụ cùng các sản phẩm liên kết vẫn phải đi trước một bước.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển du lịch Thái Nguyên trong đó quan tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, giới thiệu các điểm đến du lịch tâm linh, du lịch lịch sử trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách đến với Thái Nguyên bằng việc tham quan, trải nghiệm những điểm du lịch tâm linh".

Xu thế du lịch văn hóa tâm linh sẽ tiếp tục được phát triển. Bởi ngoài giá trị tinh thần, sản phẩm du lịch tâm linh ở Thái Nguyên sẽ còn giúp lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, chứa đựng yếu tố văn hóa dân gian, tạo ra nét độc đáo và hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá mảnh đất lịch sử xứ danh Trà./.