Trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định bãi thải
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắc Lắc) nêu thực trạng: Bãi thải thuộc khu khai thác khoáng sản bị sạt lở gây sự cố nghiêm trọng môi trường.
"Nguyên nhân chính là gì? Có hay không sự vi phạm pháp luật của cơ sở này? Có xử lý hay không? Trách nhiệm của bộ quản lý và giải pháp tránh tình trạng tương tự? Bãi rác thải ở nông thôn không che chắn, xử lý, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ? Giải pháp nào Bộ sẽ triển khai?" - Đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà |
Nói về khai thác khoáng sản, các bãi thải, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận đại biểu nêu thực tế rất đúng.
Bãi thải gây nguy cơ rất lớn với người dân. Khai thác khoáng sản để xử lý triệt để nước thải khí thải, chất thải rắn là vấn đề rất lớn. Cái này liên quan cấp phép, trách nhiệm phê duyệt, thẩm định vì liên quan công nghệ, đánh giá tác động môi trường, quy hoạch xử lý chất thải. Chất thải xây dựng liên quan Bộ Công thương và các địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Trên thực tế, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quy định về triển khai các phương án, vận hành bãi thải, qua kiểm tra, chúng tôi thấy trên 50% doanh nghiệp không tuân thủ quy định".
Bộ trưởng Hà cho rằng cần xem xét lại nhiều bãi thải vì độ cao, thiên tai, thời tiết. Đây là vấn đề Bộ TN-MT, Bộ Công thương, các địa phương cần rà soát, đánh giá lại.
Theo ông Trần Hồng Hà, việc khai thác than để lại bãi thải rất lớn, cần nguồn lực rất lớn để giải quyết. Bên cạnh xem xét công nghệ cần nguồn vốn. Khi phê duyệt cấp phép khai thác mỏ, chúng ta chưa tính toán đến việc này, mới chỉ tính toán trên ý tưởng nên không đủ chi phí để hoàn thổ môi trường.
Với bãi thải hiện nay, có bãi do lịch sử để lại nhất là ở một số bể than để lại bãi thải rất lớn, nếu đầu tư thì rất tốn kém.
Còn câu hỏi của ĐBQH Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) khi xảy ra ô nhiễm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Luật bảo vệ môi trường đề cao người dân giám sát bảo vệ môi trường nhưng người dân lại không có thông tin, vậy Bộ trưởng sẽ làm thế nào?
Cho rằng đây là câu hỏi hay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích khi xảy ra vụ việc nào đều gắn trách nhiệm người đứng đầu. Ở đây phần phân định giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng.
"Tôi cho rằng phải xác định được trách nhiệm cụ thể ở mỗi cấp. Phê duyệt môi rường thì ở trung ương, còn cấp phép thì ở từng cấp khác nhau. Tôi nói rằng, các cơ quan trung ương cũng không đảm đương được vấn đề môi trường ở địa phương. Vì thế tới đây nên phân cấp cho địa phương. Từ đó để đầu tư con người, bộ máy" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói./.