Trẻ mầm non bị ăn cơm chưa chín kỹ, bánh kem không nhãn mác
Phụ huynh tham dự buổi công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu bánh kem tại trường mầm non thị trấn Lim 2 |
Tại hội nghị, các phụ huynh học sinh Trường Mầm non thị trấn Lim 2 đã đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường trong thời gian qua bao gồm việc cho trẻ ăn bánh kem không nhãn mác, không ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Giải đáp thắc mắc trên, Ông Lê Minh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Du thông báo, theo căn cứ kết quả kiểm nghiệm số 12695 ngày 14/10/2016 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, tổng số chỉ tiêu xét nghiệm sản phẩm bánh kem 300 g/hộp, mẫu đựng không khay, không nhãn mác bao gồm 11 chỉ tiêu, trong đó có 6 chỉ tiêu vi sinh và 5 chỉ tiêu lý hóa.
Cụ thể, 5 chỉ tiêu lý hóa có kết quả bình thường và trong 6 chỉ tiêu vi sinh có 3 chỉ tiêu vượt ngưỡng là B.Cereus; Coliform và tổng số bào tử nấm men, nấm mốc.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng do bánh không đóng gói kỹ, thời gian vận chuyển bánh đi kiểm nghiệm được bảo quản ở nhiệt độ thường nên các chỉ số vi sinh vật vượt ngưỡng. Kết quả này chỉ có giá trị với mẫu kiểm nghiệm và không có giá trị tại thời điểm các cháu sử dụng.
Bánh kem không gây ảnh hưởng tức thời (tức ngộ độc cấp) cho trẻ bởi từ sau ngày 3/10 không có phản ánh của nhà trường, phụ huynh về tình trạng sức khỏe thất thường của trẻ. Những ảnh hưởng lâu dài của trẻ thường do các yếu tố tác động về hóa lý trong khi kết quả kiểm nghiệm về hóa lý nằm trong ngưỡng cho phép.
Liên quan đến thông tin xử lý cơ sở cung cấp bánh kem, ông Trần Danh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bắc Ninh cho biết, Công ty Cổ phần bánh Phương Viên có những sai sót trong quy định về sản xuất hàng hóa còn nhà trường chủ quan trong khâu nhập bánh. Do đó, ông Phượng đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Tiên Du tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trên toàn huyện.
Còn bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Du đề nghị Thị trấn Lim kiểm điểm các cá nhân, tập thể có liên quan đến sự việc trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học nhà trường.
Trước đó, sau khi xuất hiện tình trạng tiêu chảy ở gần 20 trẻ, trưa ngày 3/10, 1 số phụ huynh Trường mầm non thị trấn Lim 2 đã kiểm tra đột xuất bếp trường và đã phát hiện trong bếp có bánh kem không có nhãn mác, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng và cơm chưa chín kỹ. Phụ huynh đã yêu cầu nhà trường phải đem bánh và gạo đi xét nghiệm và yêu cầu nhà trường dừng hợp đồng với công ty mà nhà trường đã ký hợp đồng mua bán thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Lim 2 đã nhận trách nhiệm trước phụ huynh là do nhà trường vừa nhập gạo mới nên nhà bếp nấu chưa quen, khiến một số khay cơm chưa chín kỹ. Tuy nhiên, khi gạt bỏ số cơm chưa chín đều, nhà trường đã không để tách riêng khỏi khu vực đang chia cơm cho trẻ nên một số phụ huynh hiểu lầm.