Đi cấp cứu vì "mẹo vặt"
Có con trai hơn 1 tuổi, chị Trần Thị N. (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kiên quyết theo trường phái chăm sóc con kiểu dân gian. Chị và nhóm bạn thường share nhiều bài báo về những ca lạm dụng kháng sinh, những "bí kíp" chăm con bằng dược liệu dân gian...
Hiểu sai: Dễ chết
Một lần, con chị sốt gần 40 độ. Từng nghe nói lá ngải cứu hạ sốt tốt, chị sắc nước ép bé nuốt một ít nhưng chỉ 10 phút sau, bé bắt đầu nôn ói, tay chân lạnh. Đến lúc đó, chị N. mới hốt hoảng đưa con đi cấp cứu và được biết bé bị sốt xuất huyết.
Con của chị Mai Thị T. (30 tuổi, quận 4, TP HCM) phải đến Bệnh viện (BV) Da liễu để trị hai má bị đỏ, ngứa ngáy mà nguyên nhân là vì bé bị chàm sữa, chị đã chữa mẹo bằng cách nửa đêm thức dậy dùng nước bọt của mình để làm dịu vết chàm.
Cũng có nhiều trường hợp đau lòng như trẻ mới sinh bị sặc, viêm phổi, tử vong vì bị cho uống nước cam thảo.
Tìm hiểu trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ, dễ dàng tìm thấy có rất nhiều mẹo chăm sóc trẻ được nhắc đến. Có những cách thực sự là bài thuốc dân gian mà thậm chí bác sĩ tây y cũng dặn phụ huynh về làm, ví dụ dùng tắc chưng đường phèn trị ho, giữ ấm chân để con bớt sụt sịt... Thế nhưng, cũng có những mẹo rất vô lý, không có căn cứ khoa học như cụng đầu con vào tường 7-9 lần để… đầu tròn hơn, dùng cá lóc đập vào chân để con biết đi…
Khi trẻ bệnh, sau xử lý ban đầu bằng kinh nghiệm và các thuốc trị triệu chứng đơn giản, nên đưa trẻ đến bác sĩ. Trong ảnh: Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trẻ dưới 3 tuổi tuyệt đối không thể ăn hay uống nước ngải cứu. Hạ sốt bằng ngải cứu thực ra là giã nát lá, sao lên, cho thêm ít nước chanh hoặc giấm, rồi xoa lên người, ưu tiên khu vực thóp (huyệt bách hội) và lưng trẻ. Nếu làm mà không hạ sốt, trẻ đang lên cơn sốt không kịp chế biến ngải cứu hoặc không rõ cách chế biến thì hãy cho trẻ uống paracetamol loại cho trẻ em vì quan trọng là trẻ cần hạ sốt ngay, chứ không phải chọn thuốc đông hay tây y. Cách xoa ngải cứu có thể kết hợp với thuốc tây, vì paracetamol ít nhất 4 giờ mới được uống một lần, trong khi nhiều trẻ bị sốt siêu vi, sốt xuất huyết… chỉ 1-2 giờ sau đã sốt trở lại. Tuy nhiên, sốt cao quá, kéo dài thì phải đi bác sĩ.
Về cách dùng nước bọt của mẹ trị chàm sữa, lương y Đinh Công Bảy lưu ý mẹ phải vệ sinh răng miệng kỹ trước, súc miệng thêm bằng nước trà, sau đó dùng tăm bông thấm nước bọt sạch bôi lên vùng bị chàm. Có thể dùng sữa mẹ, tác dụng tương tự.
Còn về việc cho trẻ uống cam thảo, lương y Bảy lưu ý ngày xưa chưa có dụng cụ hút đàm nhớt, người ta nhỏ 1-2 giọt cam thảo vào khăn sạch, rơ lưỡi cho bé để tống đàm nhớt ra. Nay có dụng cụ rồi thì không cần làm. Nếu hiểu sai như nhỏ thẳng nước cam thảo vào miệng bé hay bắt uống thì rất nguy hiểm.
Phân biệt giữa đông y và chữa mẹo
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, phụ huynh cần phân biệt những kinh nghiệm trong điều trị bệnh với những cách chữa mẹo không có cơ sở khoa học.
Ví dụ đắp khăn ấm lên nách, bẹn khi trẻ sốt, đó là cách làm khoa học, giúp trẻ không phải dùng quá nhiều thuốc mà vẫn hạ sốt. Hay giúp trẻ giảm ho bằng chanh, tắc để hạn chế uống thuốc ho rất tốt. Thế nhưng, với trẻ bị đuối nước mà đặt lên chiếc lu nóng mong "nước bị hút ra khỏi người" là phản khoa học. "Tôi đã gặp nhiều ca như vậy. Vô bệnh viện vừa phải chữa đuối nước vừa phải chữa bỏng. Nếu trẻ bị ngạt, ngưng tim, ngưng thở thì mất thời gian làm những chuyện phản khoa học sẽ làm chậm trễ "thời gian vàng" cứu bé" - bác sĩ Tiến cảnh báo.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khi con bệnh, các bà mẹ có thể chọn điều trị theo đông y hay tây y nhưng nhất thiết phải là những phương pháp được hướng dẫn bởi bác sĩ, thầy thuốc chuyên ngành ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, hợp pháp. Còn những mẹo vặt mang tính truyền miệng, không có cơ sở khoa học thì nên tránh xa.
Đồng quan điểm, lương y Đinh Công Bảy cho rằng việc trang bị những kiến thức để xử lý ban đầu khi con trẻ bệnh là rất cần thiết. Tuy nhiên, phụ huynh nên tra cứu từ những nguồn tin cậy, ví dụ như từ sách do các thầy thuốc viết, tư liệu của bệnh viện hoặc hỏi trực tiếp thầy thuốc.
Thuốc đông y hay tây y đều có tác dụng phụ riêng và cũng nguy hiểm nếu lạm dụng.