TP HCM nắng nóng gay gắt, nhiều trẻ em nhập viện
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 5.000 bệnh nhi đến khám, phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi và tiểu phế quản.
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 5.000 bệnh nhi đến khám. |
Chị Lê Thị Minh Anh, ngụ quận 8 đang chăm sóc con điều trị tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Cháu 2 ngày đầu thấy ho, mẹ có cho uống thuốc nhưng có biểu hiện nặng thêm. Ngày thứ ba thấy sốt cao, thở mạnh nên cho đi bệnh viện nhi đồng thì phát hiện bé bị viêm phổi. Thời tiết nắng nóng cực điểm thế này bé cứ sốt hoài”.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, số bệnh nhi đến khám và nhập viện những ngày qua cũng tăng lên đáng kể, trong đó bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng từ 10 -15% so với tháng trước. Đấy là chưa kể hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi….
Chị Nguyễn Thị Trang, ngụ quận 7 có con 1 tuổi nhập viện do tiêu chảy cho biết: “Em bé nhà mình bị ói, tiêu chảy, sốt, sáng nay phải nhập viện. Kết quả chưa có, chỉ nhưng nghe sơ qua là cháu bị viêm ruột, đang uống thuốc. Bình thường không ốm thì cũng bú mớm ăn nhiều nhưng dạo này biếng ăn”.
Trẻ em nhập viện tăng đột biến. |
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm, đầu tiên bé dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt các bệnh lý hô hấp. Song song với đó, thời tiết này cũng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, nếu trẻ ăn phải cũng dẫn đến các bệnh về đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu.
“Thường từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là thời điểm nắng nóng nhất, nhiều tia cực tím nhất rất độc hại cho sức khỏe nên đừng để trẻ phải ra nắng. Đặc biệt phải cho bé uống nhiều nước bởi vì nắng nóng thì thiếu nước, thiếu điện giải em bé dễ suy kiệt và bị bệnh”, bác sĩ Hoàng nói.
Theo Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa khám bệnh – Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bậc cha mẹ không nên chủ quan các biểu hiện của trẻ, như ho, sốt, sổ mũi, để lâu kéo dài sẽ khiến bệnh tình nặng hơn: “Nếu sốt cao mà khó hạ, hai ba tiếng đồng hồ rồi mà vẫn 39, 40 độ dù uống thuốc hạ sốt, kèm theo các triệu chứng nôn ói, mệt mỏi, lả người đi, không ăn uống gì thì nên cho trẻ đi khám. Có những trẻ sốt mấy ngày có thể do viêm phổi âm thầm hoặc viêm màng não”.
Thời tiết nắng nóng khiến trẻ không kịp thích nghi. |
Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết nắng nóng, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước ép từ các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, người lớn cần phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh bị sốc nhiệt. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần thận trọng bảo quản thực phẩm, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay thường xuyên để phòng bệnh./.