Tổng thống Trump kêu gọi “một hành động quyết liệt” chống Taliban
Số người thiệt mạng trong vụ đánh bom xe xảy ra ngày 27/1 tại thủ đô Kabul đã tăng lên đến ít nhất 95 người, trong khi 158 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công thứ 3 tại Afghanistan xảy ra chỉ trong một tuần và là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại quốc gia Nam Á này trong nhiều tháng qua.
Hiện trường vụ đánh bom kinh hoàng ở Kabul. Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công xảy ra tại một trong những khu phố sầm uất nhất ở thủ đô Kabul, gần khu vực có nhiều tòa nhà của chính phủ và văn phòng làm việc của một số cơ quan quan trọng như Bộ Nội vụ Afghanistan, Liên minh châu Âu hay Hội đồng Hòa bình tối cao Afghanistan. Quả bom được giấu trong một chiếc xe cứu thương.
Một người dân Afghanistan chia sẻ: “Tôi có một cửa hàng tại khu phố này. Vụ tấn công xảy ra khi tôi đang ở trong cửa hàng. Tôi cảm thấy mặt đất rung chuyển và sau đó nhìn thấy con trai của mình bị thương đang nằm trên đất. Chúng tôi ngay lập tức tới bệnh viện và ở đây cũng có rất nhiều người bị thương”.
Trong một thông cáo, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã gọi đây là “một tội ác chống lại loài người”. Cộng đồng quốc tế cũng lên án vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi: tất cả các nước phải có hành động quyết liệt chống lại Taliban, cũng như các "cơ sở hạ tầng hỗ trợ" chúng. Tuyên bố được xem là thông điệp gửi tới quốc gia láng giềng Pakistan, vốn lâu nay bị Mỹ cáo buộc là “nơi trú ấn an toàn” cho các tay súng Taliban.
Cùng ngày Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini khẳng định, EU đã luôn hành động và sẽ tiếp tục hành động cùng nhân dân Afghanistan và chính phủ của họ nhằm đi tới hòa bình.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công và gửi lời chia buồn tới nhân dân Afghanistan. Trong một động thái thể hiện tình đoàn kết, nửa đêm hôm qua, toàn bộ hệ thống ánh sáng trên tháp Eiffel ở thủ đô Paris đều được tắt để tưởng niệm các nạn nhân.
Theo Bộ Nội vụ Afghanistan, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 4 đối tượng tình nghi trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ tấn công. Hiện toàn bộ thủ đô Kabul đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Mọi hoạt động ra vào khu vực trung tâm và khu phố ngoại giao, nơi phần lớn các đại sứ quán và thể chế nước này đặt trụ sở đều bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Nasrat Rahimi nói: “Chiếc xe cứu thương đã bị chặn lại ngay trước lối vào bệnh viện Jamhoriat khi đang cố gắng tiếp cận khu vực tòa nhà Bộ Nội vụ, Đại sứ quán Ấn Độ, Đại sứ quán Indonesia và văn phòng Hội đồng hòa bình tối cao ngay gần đó. Kẻ tấn công đã tự sát bằng cách kích hoạt quả bom cài trong xe và hiện chúng tôi cũng đang bắt giữ 4 đối tượng khác tình nghi liên quan”.
Đây là vụ tấn công thứ 3 nhằm vào Afghanistan trong một tuần qua, sau vụ tấn công hôm 20/01 nhằm vào khách sạn Intercontinental ở thủ đô Kabul, mà Taliban cũng đã thừa nhận trách nhiệm và vụ tấn công hồi giữa tuần nhằm vào các tòa nhà của tổ chức Bảo vệ trẻ em ở thành phố miền Đông Jalalabad do IS tiến hành.
Những vụ tấn công này được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani và các đồng minh. Trong khi chính quyền Afghanistan luôn tin tưởng việc đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm đánh bật lực lượng này ra khỏi các khu vực trung tâm đang phát huy hiệu quả, thì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang rất tự tin với chiến lược mới của mình tại quốc gia Nam Á này.
Trước đó, hồi tháng 8 năm ngoái, chính phủ Mỹ thông báo sẽ gửi thêm 4.000 binh sĩ tới khu vực, nhằm chấm dứt chuỗi thất bại của các đời chính quyền trước trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, an ninh vẫn tiếp tục là bài toán khó với chính quyền Afghanistan, cũng như chính quyền Mỹ và các đồng minh. Hơn 15 năm sau ngày Mỹ bắt đầu Chiến dịch Hòa bình Bền vững để đáp trả cuộc khủng bố 11/9/2001, Taliban đang chiếm lại nhiều phần lãnh thổ Afghanistan và hầu như không có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến tháng 8/2016, chính phủ Afghanistan chỉ còn kiểm soát được 63,4% lãnh thổ, trong khi IS sau những thất bại tại Iraq và Syria, cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động tại quốc gia Nam Á đầy bất ổn này./.