Tổng thống Philippines Duterte lại gây bão vì sắc lệnh mới
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte - ông Harry Roque - cho biết thông tin trên hôm 10/3.
Đạo luật nêu trên sẽ "trao thêm quyền để họ củng cố luật cũng như tìm ra những biện pháp giải quyết các vụ án hình sự".
Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì nhân quyền đã bày tỏ quan ngại về đạo luật này. Theo họ, cảnh sát Philippines từng nhiều lần bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và lực lượng này có thể sử dụng đạo luật mới để chống lại những người chỉ trích chính quyền Tổng thống Duterte.
Trước đó, Tổng thống Duterte từng bị giới hoạt động vì nhân quyền chỉ trích nặng nề khi phát động chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy.
Khoảng 4.000 người, phần lớn đến từ các khu vực đô thị nghèo ở Philippines, đã bị cảnh sát đoạt mạng trong 20 tháng qua kể từ khi chiến dịch trên được ban hành, gây báo động cộng đồng quốc tế. Giới hoạt động cho rằng số người thiệt mạng thậm chí còn cao hơn nhiều.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters |
Đạo luật mới trao quyền ban trát hầu tòa cho người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) bên cạnh giám đốc và phó giám đốc bộ phận quản lý Đơn vị Phát hiện - Điều tra Tội phạm của PNP.
"Trát hầu tòa phải nêu rõ bản chất và mục đích của cuộc điều tra, phải ban trực tiếp đối với người được yêu cầu có mặt" - Reuters trích dẫn nội dung đạo luật mới được ông Duterte ký ban hành ngày 1-3.
Nhóm hoạt động vì phụ nữ Gabriela đã mô tả đạo luật trên là "một tín hiệu đèn xanh" cho các vụ giết chóc ngoài vòng pháp luật, bắt giữ tùy tiện, chống lại giới bất đồng chính kiến và phe đối lập.
Nhóm Gabriela còn cho rằng PNP không nên được trao các quyền hạn như của công tố viên điều tra, đặc biệt là khi lực lượng này từng nhiều lần bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hay không tuân thủ trình tự pháp luật.
Tuy nhiên, người phát ngôn Rogue khẳng định không phải mọi cảnh sát đều được trao quyền ban trát hầu tòa và ban trát hầu tòa không đồng nghĩa với việc bắt giam.
Theo ông Rogue, đạo luật mới sẽ "mang lại hy vọng cho nhiều nạn nhân bị tước quyền công lý vì quy trình điều tra diễn ra chậm chạp do nhân chứng hay bị cáo không thể bị ép đối mặt cuộc điều tra"./.