Tổng thống Mỹ tuyên bố dỡ bỏ những trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images) |
Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng tối 23/10 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ dỡ bỏ những trừng phạt đã áp đặt với Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria từ ngày 9/10.
Tổng thống Trump nói: "Sáng nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ ngừng chiến dịch tấn công ở Syria và lệnh ngừng bắn sẽ hiệu lực lâu dài. Vì thế, tôi đã thông báo Bộ Tài chính (Mỹ) dỡ bỏ tất cả những trừng phạt áp đặt từ ngày 14/10." Ông Trump nói thêm: "Những trừng phạt sẽ được dỡ bỏ trừ khi xảy ra điều gì đó đặc biệt mà chúng tôi không hài lòng."
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria, ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm cấp thị thực đối với một số thành viên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau phát biểu mới nhất của người đứng đầu Nhà Trắng, trang web của Bộ tài chính Mỹ cũng xác nhận dỡ bỏ những trừng phạt áp đặt với các Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một diễn biến khác, ngày 23/10, lực lượng quân cảnh Nga đã bắt đầu tuần tra ở khu vực biên giới Syria theo thỏa thuận vừa mới đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ Moskva bày tỏ hy vọng rằng lực lượng người Kurd sẽ tự nguyện rút khỏi các khu vực gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, tránh để xảy ra đụng độ.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo sẽ nối lại chiến dịch tấn công nhằm vào các lực lượng người Kurd, nếu Nga và Mỹ không đảm bảo việc lực lượng người Kurd tại Syria rút khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, hãng tin RIA dẫn nguồn một quan chức Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Moskva đang liên lạc với Mỹ về thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Cũng theo nguồn tin của hãng RIA, Nga không thấy sự cần thiết của việc thành lập vùng an ninh do quốc tế kiểm soát tại Đông Bắc Syria, một ý tưởng do Đức đề xuất. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đưa ra đề xuất này, cho rằng việc lập một vùng an ninh do quốc tế kiểm soát, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, là nhằm mục tiêu giảm leo thang căng thẳng.
Đề xuất này hiện đã nhận được sự ủng hộ một cách thận trọng từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà Kramp-Karrenbauer khẳng định các đối tác NATO đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thảo luận đề xuất dự kiến được công khai vào ngày 28/10 tới này.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chiến dịch này chỉ nhằm vào các tay súng người Kurd và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Bắc Syria, để đảm bảo an ninh biên giới và "đem lại hòa bình cho khu vực."
Tuy nhiên, chiến dịch làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đến ngày 22/10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí một thỏa thuận đảm bảo lực lượng vũ trang người Kurd Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria sẽ rút khỏi khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km, đồng thời hai nước sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung tại "vùng an toàn" mà Ankara muốn thiết lập ở khu vực miền Bắc Syria.
Cũng trong ngày 23/10, Đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey cho biết hơn 100 tù nhân là các tay súng của IS đã trốn thoát khỏi Syria, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Thông tin này đã được ông Jeffrey xác nhận trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ./.