Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo xử lý tình trạng tham nhũng vặt
Ngày 10/11 tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo |
Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, nhất là: Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo, từ sau Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2018 đến nay đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các Phiên họp 13, 14 của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn tốt, bước chuyển mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Trong đó, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc theo Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo: Đã khởi tố mới 13 vụ án; kết thúc điều tra và điều tra bổ sung 15 vụ/209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ/239 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ/181 bị cáo, với các mức án nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa cao.
Đặc biệt từ sau Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2018 đến nay: đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam...
Tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án: Vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng |
Tích cực xác minh, điều tra làm rõ 01 vụ án, 03 vụ việc, 06 kiến nghị của Hội đồng xét xử sơ thẩm liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; mở rộng điều tra, khởi tố mới 02 vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII). Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ sai phạm, để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các cơ quan chức năng cũng đã tích cực kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 05 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ kết luận và công khai kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kết luận, chuyển Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin, truyền thông và các đơn vị liên quan.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua ý kiến thảo luận của các đại biểu đã cảm nhận được không khí tích cực, quyết liệt hơn chứ không phải như dư luận lo lắng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng dần chìm xuồng, nản chí. Đánh giá về những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, nhất là sau 2 phiên họp của Ban Chỉ đạo và phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt hơn và tạo hiệu quả rõ rệt.
"Tâm lý xã hội, nghe quen những vụ lớn, đòi hỏi những vụ lớn nhưng thực tình chúng ta làm được rất nhiều việc, rất tốt. Như trong báo cáo đã nêu. Điều đó cho thấy sự quyết liệt, tích cực, đều giữa các cơ quan. Rõ ràng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… các cơ quan phối hợp rất tốt, quyết liệt và tích cực, đều cố gắng khẩn trương thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với nhau khá nhịp nhàng, đây là bài học tốt", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc đến những việc làm không tên, âm thầm làm như xây dựng luật pháp, hoàn thiện cơ chế… đồng thời cho biết, bên trên chuyển động, các cơ quan không còn lạnh, nhiều nơi tự kiểm tra và xử lý. Có điều trên Trung ương toàn vụ to, lấn át, không để ý địa phương làm. Các địa phương phải làm mạnh nhưng đồng thời tuyên truyền cho địa phương những điển hình, nhân tố mới phải phát huy.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bên cạnh những kế quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế, vì vậy không được bằng lòng, chủ quan, thỏa mãn.
Trao đổi về vấn đề được cho là khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, đó là khâu giám định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, giám định chỉ là một kênh căn cứ chứ không phải tất cả, vì vậy không nên quá câu nệ, máy móc. Nhưng giám định là căn cứ để xử lý khi giữa các cơ quan có ý kiến khác nhau, không chứng minh được. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không hoàn toàn bỏ khâu giám định, nhưng sẽ xử lý cơ quan và cá nhân làm công tác giám định nếu cố tình vi phạm.
"Ở đây tức là khâu giám định, cơ quan giám định, cá nhân giám định, chỗ nào yếu phải sửa, rõ ràng minh bạch hơn. Nơi nào làm tốt thì phải khen thưởng, động viên anh em, nhưng những nơi làm chưa tốt thì phải nhắc nhở, phê bình, thậm trí phải xử lý. Nếu cơ quan giám định đó làm không đúng, sai lệch, không khách quan thì anh phải chịu trách nhiệm. Nhắc nhở nhiều lần mà không thay đổi thì phải xử lý. Mà cần thiết là thay cán bộ, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Lần sau phải làm chứ, sao nói mãi chỗ này mà không chuyển. Chứ không phải chúng ta hoàn toàn bỏ, nó là một kênh tham khảo, nhưng tham khảo cũng rất là quan trọng, nó làm minh bạch hóa. Vụ nào vướng cái đó, thì tôi xử anh làm giám định. Xem anh có làm tốt chức trách của mình không, đúng luật pháp, đúng trách nhiệm lương tâm của anh không, hay là nể nang, né tránh, hay anh có cái gì mà há miệng mắc quai không, có dây dưa ở đây không, nếu có phải xử luôn, tức là chúng ta phải xét xử ngay những người vi phạm trong công việc xét xử, bất cứ khâu nào, như vậy mới nghiêm được", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Tổng Bí thư cho rằng, nhìn chung các khâu là nhanh, nhưng có những khâu vẫn chậm so với tiến độ, kế hoạch của Ban chỉ đạo. Cần tìm hiểu lý do vì sao mà chậm, do khách quan hay chủ quan, hay cố tình trì hoãn, che đậy.
“Bản thân cơ quan tố tụng, làm những việc này cũng phải là đối tượng để chúng ta xem xét xem có làm đúng không, Ban Chỉ đạo cũng phải làm việc này, không phải mình có quyền thì muốn quyết ai, quyết thế nào thì người ta phải chịu, có luật cả rồi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thời gian tới cũng cần tập trung xử lý tình trạng tham nhũng vặt, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kết luận của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo.
"Các vụ án tham nhũng vặt lâu nay đã nói rồi, nhưng bây giờ cũng cần chọn một vài điểm tiêu biểu, xử một vài vụ. Nó như "ghẻ ruồi" rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin, đặc biệt là các cơ quan hành chính, xin giấy tờ, cảnh sát giao thông phạt tiền có đáng phạt hay không, dấm dấm giúi giúi, tham nhũng vặt gây mất lòng tin, giấy tờ ngâm lại, hẹn người ta bắt đi lại nhiều lần khó chịu. Một điểm nữa là chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, cũng phải xử một vài chỗ nào hẹn thời gian không làm được bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Tại phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu đến hết năm 2018 kết thúc điều tra 08 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 03 vụ án; xét xử sơ thẩm 02 vụ án; xét xử phúc thẩm 05 vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật các vụ án: (1) Vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; (2) Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).
Khẩn trương xem xét xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm. Kết thúc điều tra, truy tố vụ án“Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.
Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII).
Các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện giám định, định giá tài sản theo quyết định trưng cầu của Cơ quan điều tra, phục vụ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 02 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật./.