Toan tính sâu xa đằng sau việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF
Một số người đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Trump lại quyết định rút khỏi Hiệp ước INF ký kết với Nga và mạo hiểm cho một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém có thể xảy ra. Rõ ràng, đây không phải là một quyết định nhất thời của ông Trump mà là một sự tính toán có chủ đích cân nhắc đến khả năng phát triển năng lực quốc phòng của Mỹ trong bối cảnh môi trường quốc tế có nhiều thay đổi với những nhân tố mới thách thức vị thế và ảnh hưởng của Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Chỉ là một biện pháp gây sức ép lên Nga?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng được ký kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ toàn bộ tên lửa hạt nhân ở châu Âu có tầm bắn từ 500 - 5.500 km với cáo buộc Nga đã “vi phạm thỏa thuận này trong nhiều năm qua”.
“Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, vượt rào và chế tạo vũ khí trong khi chúng tôi không được phép”, ông Donald Trump khẳng định. Việc rút khỏi Hiệp ước INF của Mỹ khiến các nhà phân tích chia ra thành 2 luồng quan điểm. Một bên cho rằng quyết định này có thể khiến Nga phát triển nhiều loại vũ khí hơn và "châm ngòi" cho một cuộc chạy đua vũ trang, trong khi bên kia nhận định thật sự không cần thiết khi níu giữ Hiệp ước này bởi nó đang kiềm chế năng lực quân sự của Mỹ.
Tháng 10/2018, Washington tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF bởi vì Nga nhiều lần vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước. Theo Tổng thống Trump, Nga đang chế tạo các loại vũ khí tấn công mới nằm trong danh sách bị cấm trong Hiệp ước. Washington cũng đặc biệt lo ngại về hệ thống tên lửa SSC-8 mà theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson thì loại vũ khí này có tầm bắn đạt 500 - 5.500km - một thông số mà Mỹ cho là đã vi phạm Hiệp ước INF. Đổi lại, Nga phủ nhận việc vi phạm Hiệp ước và khẳng định sẽ cung cấp cho Mỹ các đặc điểm công nghệ và kết quả các cuộc thử nghiệm của loại tên lửa này. Quân đội Nga cho biết việc phóng tên lửa SSC-8 được tiến hành ở khoảng cách dưới 500km trong khi Lầu Năm Góc tin rằng các đặc điểm này, bao gồm cả tầm bắn của tên lửa có thể nhắm bắn tới mục tiêu cách bệ phóng 5.500km.
Mỹ và Nga tiếp tục tranh cãi qua lại về vấn đề này cho đến tháng 12/2018, Washington ra tối hậu thư cho Moscow 60 ngày để tuân thủ Hiệp ước INF, đồng thời ngầm khẳng định rằng Mỹ sẽ thử nghiệm và triển khai các loại tên lửa mới nhằm khôi phục sự cân bằng quân sự ở châu Âu và đối phó với sự đe dọa an ninh nếu sau thời hạn nêu trên Nga không tuân thủ thỏa thuận mà hai bên từng đạt được năm 1987.
Những động thái của Washington được cho là một cách để gây sức ép lên Nga nhằm tạo ra những thay đổi trong Hiệp ước INF cho phép Mỹ tăng cường phát triển năng lực quốc phòng hoặc là một nỗ lực để biến Hiệp ước song phương này thành một Hiệp ước đa phương do sự xuất hiện của một nhân tố mới – Trung Quốc.
Toan tính sâu xa của Mỹ
Mỹ có một vài lý do để rời khỏi Hiệp ước này, bất chấp việc Nga có thực sự vi phạm các điều khoản của Hiệp ước hay không. Hơn 30 năm kể từ khi Hiệp ước INF được ký kết, trong suốt quãng thời gian này, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao. Những công nghệ mới và sự phát triển kinh tế ở những nơi từng được coi là các quốc gia thuộc "Thế giới thứ 3" đã buộc Mỹ phải cân nhắc đến các mối đe dọa quân sự ngoài Nga. Ngày nay, Iran có khả năng triển khai các loại vũ khí hạt nhân tầm xa cùng với Pakistan gần đó cũng có khả năng tương tự. Năm 2017, các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Trump đã đe dọa trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong Un rằng Triều Tiên sẽ phải “đối diện với lửa và giận dữ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến".
Mặc dù Triều Tiên đã dừng các cuộc thử tên lửa sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim nhưng quốc gia này vẫn có thể quay trở lại tiếp tục các cuộc thử nghiệm này bất cứ lúc nào. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên cũng cần được tính đến. Bắc Kinh là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng trong khu vực, cả về hệ tư tưởng và kinh tế. Trung Quốc giúp Triều Tiên có thể tồn tại bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách cung cấp cho quốc gia này năng lượng và thực phẩm. Bắc Kinh cũng sử dụng Bình Nhưỡng để kiềm chế sự hiện diện của Mỹ ở Hàn Quốc. Việc Triều Tiên triển khai các tên lửa đạn đạo có thể là cách để Trung Quốc "mặc cả" với Mỹ về việc cắt giảm số lượng quân đội và vũ khí của Mỹ trong khu vực.
Một số chuyên gia dự đoán trong một thời gian dài rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trật tự thế giới mới. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khả năng quân sự của quốc gia này buộc phương Tây phải suy nghĩ nghiêm túc về việc kiềm chế sự ảnh hưởng đang ngày một tăng của Bắc Kinh. Ba hoặc 4 hệ thống tên lửa tầm trung tự động cao sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ từ bất kỳ vị trí nào của quốc gia này. Sự bố trí quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - một người ủng hộ Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF trên thực tế đã đúng khi nhận ra Trung Quốc không nằm trong Hiệp ước này. Ông từng khẳng định rằng: "Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều đang phát triển các loại vũ khí vi phạm Hiệp ước INF nếu họ là một phần trong đó". Ông cũng cho rằng mối đe dọa từ Bắc Kinh đang ngày càng rõ và một hiệp ước tên lửa đạn đạo song phương giữa Nga và Mỹ năm 1987 trên thực tế đã không còn phù hợp trong thế giới đa cực phát triển tên lửa đạn đạo. Vì không bị kiểm soát bởi Hiệp ước INF nên khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Tên lửa đạn đạo DF-26 mà Bắc Kinh triển khai gần đây được mệnh danh là "kẻ hủy diệt đảo Guam" và là "sát thủ diệt tàu sân bay" khi có thể nhắm bắn hiệu quả tới cả căn cứ không quân và hải quân ở Guam cũng như các tàu sân bay của Mỹ. Do đó, bất chấp việc phá hủy một thỏa thuận quan trọng đã đạt được với Moscow, quyết định rút khỏi INF của Washington có thể coi là một biện pháp nhắm trực tiếp vào Bắc Kinh và đối phó với sự thay đổi của một môi trường quốc tế không ngừng biến động.
Mặc dù phương Tây chỉ trích quyết định rút khỏi INF của chính quyền ông Trump nhưng một số nhà phân tích cho rằng Hiệp ước này có tác động tiêu cực đến khả năng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Nga và Trung Quốc. Vì vậy, khác biệt trong các đặc điểm về địa chính trị của cán cân quyền lực giữa Mỹ - Nga và Mỹ - Trung là những yếu tố quan trọng để hiểu lý do đằng sau quyết định rút khỏi Hiệp ước INF của Mỹ./.