Tọa đàm "Liên kết, phát triển tour du lịch sinh thái - hang động Thái Nguyên năm 2016”
Đoàn khảo sát tại Di tích, danh thắng Chùa Hang (Đồng Hỷ). Nguồn: Báo Thái Nguyên |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với tổng số hơn 800 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Với các sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa lịch sử tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch khám phá hang động. Thực tế những năm qua, du lịch của Thái Nguyên đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, có nhiều đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy cơ sở hạ tầng dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, khai thác chưa hiệu quả để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn; khách du lịch có thời gian lưu trú ngắn, mức tiêu dùng thấp, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cho phát triển du lịch Thái Nguyên như: cần tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống; tập trung xây dựng các khu du lịch Quốc gia, điểm du lịch trọng điểm, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch; chú trọng xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch và đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, bảo tồn môi trường tự nhiên,…
Trước đó, các đại biểu đã đi thực tế, khảo sát và dâng hương tại các di tích, danh thắng: Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ; hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; Khu bảo tồn Làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên.