Thượng tá Hà Tiến Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Hải Dương), cho biết khoảng 22 giờ 30 phút ngày 2/7, lực lượng chức năng đã dập tắt được đám cháy trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đoạn đi qua địa bàn thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 21 giờ 20 phút cùng ngày, tại km50+500 trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đoạn gần cầu vượt Thống Nhất (giáp ranh giữa xã Gia Khánh và thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), xe bồn nghi chở dầu mang biển kiểm soát 24H-002.62 đi theo hướng Hải Phòng-Hà Nội đã va chạm với xe tải mang biển kiểm soát 14C-200.85 và bốc cháy. Ngọn lửa cháy lan sang hành lang cây xanh bên đường cao tốc.

Lái xe bồn là Đào Phú Thắng, sinh năm 1983, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Thắng đã được lực lượng chức năng và người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn (Công an tỉnh Hải Dương) đã điều 4 xe chữa cháy, robot chữa cháy TAF35-C và 30 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dập lửa.

Công an huyện Gia Lộc cử lực lượng đến hỗ trợ chữa cháy, bảo vệ hiện trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ cháy này.

* TP Hà Giang mưa lớn, có nơi ngập sâu 1m

Trận mưa lớn từ ngày 2/7 đến rạng sáng 3/7 khiến nhiều tuyến phố ở TP Hà Giang ngập cục bộ, có nơi nước dâng cao khoảng 1m so với mặt đường.

Đêm qua và sáng nay 3/7, vùng núi, trung du Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 2/7 đến 8h ngày 3/7 có nơi trên 100mm như: Việt Lâm (Hà Giang) 325mm, Bắc Sơn (Lạng Sơn) 127,2mm, Đôn Phong (Bắc Kạn) 123,8mm, Chăn Nưa (Lai Châu) 117,4mm, Thượng Lâm (Tuyên Quang) 115,6mm...

Tại TP Hà Giang, mưa lớn gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường. Cụ thể, khoảng 6h30-7h ngày 3/7, tại tuyến đường thuộc tổ 2, phường Minh Khai xảy ra ngập úng. Nước rút sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, người dân đi lại bình thường.

* Ngày mai, giá xăng trong nước có thể tăng lần thứ tư liên tiếp

Ngày mai 4/7, giá bán lẻ xăng dầu trong nước bước vào kỳ điều hành mới, nhiều dự báo cho rằng giá xăng sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Nam nói: "Nếu cơ quan điều hành không tác động đến quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng 320 - 400 đồng/lít, còn giá dầu dự kiến tăng 250 - 370 đồng/lít,kg. Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương chi quỹ bình ổn thì mức tăng sẽ ít hơn".

Theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày mai (4/7), giá xăng bán lẻ có thể tăng khoảng 1,9%. Trong khi đó, giá dầu diesel dự báo tăng 1,88%, giá dầu hỏa tăng 1,36%, còn giá dầu mazut tăng không đáng kể.

VPI cũng cho rằng trong kỳ này, cơ quan điều hành sẽ không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn.

Nếu những dự báo trên chính xác thì giá xăng sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp. Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 27/6, giá xăng E5 RON92 tăng 506 đồng/lít, không cao hơn 22.014 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 544 đồng/lít, không cao hơn 23.010 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 329 đồng/lít, lên mức 20.689 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 258 đồng/lít, lên 20.614 đồng/lít; Dầu mazut tăng 223 đồng/kg, không cao hơn 17.446 đồng/kg.

Trong kỳ này, cơ quan điều hành quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu hôm nay giảm nhẹ nhưng vẫn được dự báo sẽ sớm quay đầu do nhu cầu dầu tại Mỹ dự kiến tăng mạnh khi vào mùa du lịch hè. Trong khi đó, những dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đang dịu xuống khiến thị trường nuôi nhiều hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất, sớm nhất là vào tháng 9 tới.

Những lo ngại rủi ro địa chính trị gia tăng ở châu Âu cũng như căng thẳng giữa Israel và Hezbollah góp phần nâng đỡ giá dầu. Ngoài ra, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (nhóm OPEC +) cắt giảm sản lượng trong quý III cũng tác động lên thị trường dầu mỏ.

* Từ 1/7/2025: Chậm đóng BHXH sẽ bị phạt 0,03%/ngày tiền chậm nộp

Chú thích ảnh
Lao động trong lĩnh vực thuỷ sản. Ảnh: TTXVN

Đẻ xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định nộp số tiền chậm đóng bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng.

Theo các chuyên gia về lao động, số tiền phạt chậm đóng này tương đương với mức phạt chậm đóng tiền thuế hiện hành. Đây được coi là giải pháp mạnh về kinh tế để ngăn chặn hành vi chậm, trốn đóng BHXH hiện nay.

Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, do vậy Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.

Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như: Quy định cụ thể biên pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH: bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện phápmạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

* TP Hồ Chí Minh: Thêm một phụ nữ bị nguy kịch sau hút mỡ tạo hình

Chú thích ảnh
Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Y và Phòng Y tế Quận Tân Bình đã tiến hành kiểm tra, làm rõ các nội dung được phản ánh tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn. Ảnh BV

Sáng 3/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông tin thêm về một trường hợp bị sự cố y khoa sau phẫu thuật hút mỡ, tạo hình thành bụng tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (Phường 5, quận Tân Bình) và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đây là một sự cố y khoa nghiêm trọng do chính bệnh viện phát hiện, được Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời can thiệp. Tuy nhiên, bệnh viện đã không báo cáo sự cố y khoa theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Với mong muốn giảm mỡ và da thừa vùng bụng, vào sáng 29/6, chị V.T.H (sinh năm 1977) đến khám tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn (địa chỉ 666 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5, Quận Tân Bình).

Chị H. được xét nghiệm tổng quát, thực hiện cận lâm sàng, khám tiền mê, hội chẩn trước phẫu thuật. Lúc 12 giờ cùng ngày, chị H. được bác sĩ T.T.N.P gây mê nội khí quản và bác sĩ H.Q.H thực hiện phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần kết hợp hút mỡ bụng.

Sau hơn 4 giờ thực hiện phẫu thuật, đến 17 giờ ngày 29/6, chị H. được rút nội khí quản, chuyển sang khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ để điều trị tiếp. Tuy nhiên, sau hơn 1 ngày sau mổ, chị H. than mệt, khó thở, diễn tiến nặng dần.

Trước tình trạng của bệnh nhân, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn đã khởi động báo động đỏ nội viện; đồng thời liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị hỗ trợ chuyên môn. Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy bằng xe cứu thương. Sau khi được can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã tạm ổn định trở lại.

Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tại buổi kiểm tra ngày 1/7, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu Giám đốc bệnh viện tạm ngưng thực hiện phẫu thuật, thủ thuật đối với bác sĩ H.Q.H cho đến khi có kết luận từ cơ quan chuyên môn.

Ngày 2/7, tại buổi giao ban Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế và thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc không báo cáo sự cố y khoa bắt buộc theo quy định.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu bệnh viện họp phân tích nguyên nhân gốc rễ, các sai sót chuyên môn… thực hiện việc rà soát, đánh giá điều kiện và năng lực người hành nghề, cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế, việc tuân thủ thực hiện các quy chế chuyên môn và quy trình kỹ thuật của người hành nghề.

Sở Y tế yêu cầu bệnh viện báo cáo vụ việc và các giải pháp khắc phục để đảm bảo an toàn người bệnh liên quan đến phẫu thuật, thủ thuật.

Sở Y tế đề nghị các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thành phố thông tin kịp thời về Sở Y tế khi tiếp nhận các trường hợp sự cố y khoa do các đơn vị khác chuyển đến để Sở Y tế có giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các đơn vị (nếu có).

* Triệt phá đường dây cá độ bóng đá giao dịch hơn 6 tỷ đồng

Chú thích ảnh
Các đối tượng Phạm Văn Thêm và Đoàn Văn Thắng bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Hà Toản/TTXVN phát

Ngày 2/7, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền giao dịch hơn 6 tỷ đồng.

Các đối tượng gồm: Phạm Văn Thêm (sinh năm 1988, thường trú huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), tạm trú tại tổ 11, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang; Đoàn Văn Thắng (sinh năm 1985), trú tại tổ 19, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang.

Cơ quan chức năng đã tạm giữ 2 điện thoại di động; 1 bộ phát wifi; 2 thẻ ngân hàng; 1 ô tô nhãn hiệu Ford Everest.

Công an tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, trong thời gian diễn ra giải bóng đá EURO 2024, Phòng Cảnh sát hình sự thuộc Công an tỉnh Hà Giang tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ đầu mùa giải bóng đá EURO 2024, các đối tượng trên tham gia đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá với tổng số tiền giao dịch lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Vụ việc đang được điều tra mở rộng.

* Bắt ba đối tượng đưa người đi nước ngoài dưới vỏ bọc nhà sư

Ngày 2/7, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam ba đối tượng để điều tra các hành vi liên quan đến "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Ba đối tượng này là Đậu Thị Khuyên (52 tuổi, ngụ huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Ngọc Hằng (46 tuổi, ngụ Quận 7, Thành Phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai).

Theo hồ sơ, từ cuối năm 2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh nắm bắt được thông tin một số đối tượng lợi dụng việc các cơ sở Phật giáo ở Australia thường xuyên tổ chức các khóa tu học dành cho Phật tử trên toàn thế giới nên đã móc nối, tổ chức cho nhiều người ở các tỉnh, thành phố trong nước trốn sang Australia lao động trái phép với thủ đoạn làm giả hồ sơ nhà sư. Chi phí mỗi lượt đưa đi thành công là 300 triệu đồng/người.

Công an xác định, đầu năm 2024, Đậu Thị Khuyên và Nguyễn Thị Ngọc Hằng liên hệ với nhau, bàn bạc, thống nhất để tổ chức cho Hồ Văn Thìn (36 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) sang Australia lao động dưới vỏ bọc nhà sư đi tu học. Theo thỏa thuận, khi Thìn nhập cảnh thành công sẽ được Hằng bố trí người quen đón và bố trí làm nghề nông nghiệp tại Australia.

Vào tháng 2/2024, Hằng và Khuyên trực tiếp bố trí cho Thìn cạo đầu, mặc đồ tu hành đến chùa Kim Quang ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) để chụp ảnh nhằm giả tham gia các hoạt động của chùa để cho vào hồ sơ xin cấp thị thực đi Australia.

Tiếp đó, Hằng liên hệ với các cơ sở tôn giáo tại Australia để xin thư mời tham gia các hoạt động Phật giáo cho Thìn dưới danh nghĩa là nhà sư đang tu tập tại chùa Kim Quang (Đà Nẵng) với pháp danh Thích Giác Ngộ. Hằng liên hệ với Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) để làm thay đổi hình ảnh chân dung trên căn cước công dân của Thìn thành người theo đạo Phật.

Tối 4/5, sau khi nhận tiền công, Hằng đã giao thị thực đi du lịch đến Australia cho Thìn, đồng thời bố trí xe đưa Thìn đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, Thìn bị lực lượng chức năng ngăn chặn để làm rõ các nội dung liên quan.

Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục mở rộng điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

* Xét xử ông Trịnh Văn Quyết: Hơn 93.000 người được triệu tập đến tòa

Theo kế hoạch, ngày 22/7 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 50 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thao túng thị trường chứng khoán; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Trong số này, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết hầu tòa bị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Trong số các cấp dưới của ông Quyết, nhiều người phải hầu tòa như: Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC), Nguyễn Thiện Phú (cựu Kế toán trưởng Tập đoàn FLC), Nguyễn Quỳnh Anh (cựu Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS)…

Nhiều cựu lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng bị đưa ra xét xử như: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE), Lê Hải Trà (cựu Phó giám đốc HOSE), Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước)…

Ở vụ án này, tòa triệu tập tới 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS, với tư cách là bị hại. Tòa cũng triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tổng số người được triệu tập là 93.495 người. Đây là số người được triệu tập đông kỷ lục trong một phiên tòa.

Cáo trạng xác định, từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân, cấp dưới đứng tên làm cổ đông góp vốn, lập và ký khống hồ sơ vốn góp. Qua đó "nâng khống" vốn điều lệ của công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng.

Ba bị cáo thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam gồm: Lê Công Điền, Dương Văn Thanh và Phạm Trung Minh. Viện Kiểm sát xác định, họ là những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc công nhận công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán cho Công ty Faros.

Các bị cáo này biết rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận công ty đại chúng và đăng ký chứng khoán của công ty Faros chưa đủ cơ sở xác định số vốn thực góp là 4.300 tỷ đồng nhưng vẫn đồng ý chấp thuận công ty Faros là công ty đại chúng có số vốn góp là 4.300 tỷ đồng và 114 cổ đông; đăng ký cổ phiếu ROS với số lượng 430 triệu cổ phiếu, có tổng giá trị là 4.300 tỷ đồng trái pháp luật và đăng thông tin sai lệch này trên thị trường chứng khoán.

Sau đó, số cổ phiếu đã được bán cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn HOSE, để Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư số tiền hơn 3.621 tỷ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng xác định từ năm 2017 - 2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người thân, cấp dưới, họ hàng mở nhiều tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng. Các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá các cổ phiếu tăng, bị cáo Quyết chỉ đạo bán ra, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Phiên tòa dự kiến có khoảng 80 luật sư đăng ký bào chữa. Trong đó, riêng cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có 4 luật sư bào chữa.

* Vụ giẫm đạp tại Ấn Độ: Số người tụ tập cao gấp 3 lần mức độ cho phép

Theo báo cáo của cảnh sát, khoảng 250.000 người đã tụ tập tại buổi lễ của các tín đồ Hindu ở thành phố Hathras, nhiều gấp 3 lần sức chứa mà cơ quan chức năng cho phép (chỉ ở mức 80.000 người).

Số lượng người tham dự đông gấp 3 lần cho phép được xem là nguyên nhân chính dẫn tới vụ giẫm đạp nghiêm trọng tại bang Uttar Pradesh (miền Bắc Ấn Độ) trong ngày 2/7.

Theo con số cập nhật mới nhất, số người thiệt mạng trong vụ việc này đã lên tới 121 người.

Vụ giẫm đạp xảy ra tại một buổi lễ của các tín đồ Hindu ở thành phố Hathras, cách thủ đô New Delhi khoảng 200km về phía Đông Nam. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất tại Ấn Độ trong hơn một thập kỷ qua.

Theo báo cáo của cảnh sát, khoảng 250.000 người đã tụ tập tại sự kiện này, nhiều gấp 3 lần sức chứa mà cơ quan chức năng cho phép (chỉ ở mức 80.000 người).

Sự cố xảy ra khi bài giảng đạo kết thúc và đám đông tín đồ tìm cách tiếp cận sân khấu để có thể chạm tay vào nhà thuyết giáo nổi tiếng Yogi Adityanath, khi ông bước xuống từ sân khấu.

Một số nguồn tin khác thì cho biết cơn bão bụi dữ dội đã gây ra hoảng loạn khi mọi người đang rời khỏi sự kiện.

hiều người bị giẫm đạp hoặc ngã chồng lên nhau, một số người ngã xuống cống ven đường.

Người phụ trách y tế của bang Uttar Pradesh, ông Umesh Kumar Tripathi, cho biết hầu hết các nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ. Hiện cơ quan chức năng chưa xác định được danh tính các cá nhân đã tổ chức buổi lễ này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này sẽ hỗ trợ 2.400 USD cho gia đình có nạn nhân thiệt mạng và 600 USD cho những người bị thương.

Các cuộc tụ họp tôn giáo tại Ấn Độ thường có nguy cơ cao xảy ra thiệt hại về người do những lỗ hổng về đảm bảo an toàn cũng như kỹ năng kém trong công tác quản lý đám đông.

Ít nhất 112 người đã thiệt mạng năm 2016 sau một vụ nổ lớn do màn bắn pháo hoa bị cấm tại một ngôi đền chào mừng Năm mới của người Hindu.

115 tín đồ khác đã thiệt mạng vào năm 2013 trong một vụ giẫm đạp tại một cây cầu gần một ngôi đền ở Madhya Pradesh, sau khi có tin đồn lan truyền rằng cây cầu sắp sập.

Năm 2008, 224 người hành hương đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong vụ giẫm đạp tại một ngôi đền trên đỉnh đồi ở thành phố Jodhpur phía Bắc./.