Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon 3/7: Hãy là người tiêu dùng có trách nhiệm
Du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm túi đeo làm từ tấm bạt nhựa của Hợp tác xã Green Life Hạ Long (Quảng Ninh). Những sản phẩm không chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mang lại kinh tế mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN |
Năm 2024 là năm thứ hai Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon.
Sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường
Thống kê của Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute), ước tính từ năm 2002, mỗi năm thế giới có khoảng 5.000 tỷ túi nylon được sản xuất và một lượng lớn được sử dụng, sau đó thải bỏ ra môi trường. Cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia ngày càng nhận ra tác hại khôn lường của rác thải nhựa đối với môi trường sống, ảnh hưởng đến các sinh vật; đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến sức khỏe của con người.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng; hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần, số lượng được xử lý rất ít. Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Tại các đô thị, lượng túi nylon được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày; trong số này chỉ khoảng 17% số túi nylon được thường xuyên tái sử dụng.
Những chiếc dây buộc vật liệu xây dựng thay vì trở thành rác thải khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường đã được hội phụ nữ phường Hà Trung, thành phố Hạ Long(Quảng Ninh) thu gom về biến thành chiếc làn đi chợ, sọt đựng rác hay giỏ cắm hoa, ống bút… Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Có thể nhận thấy, túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, đáp ứng công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa và giá thành sản xuất rẻ. Thói quen này có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn nhưng để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường. Một túi nylon phải mất 500-1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Đặc biệt, chất thải nhựa nylon nếu ở ngoài môi trường khi đốt sẽ tạo ra khí thải độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Một số quốc gia thậm chí đã cấm cung cấp miễn phí túi nylon cho khách hàng hoặc cấm sử dụng túi nylon ở một số địa điểm.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nylon. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Trao tặng túi bảo vệ môi trường thay thế túi nylon cho người dân đi chợ trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…
Đề án hướng tới 3 mục tiêu cụ thể. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa, sản xuất và tiêu thụ túi nylon khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt, sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt. Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đề án cũng hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân TP Hồ Chí Minh dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN |
Người tiêu dùng có trách nhiệm
Hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon 2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng với Liên minh các nhà bản lẻ giảm túi nylon dùng một lần tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng về giảm tiêu dùng túi nylon. Diễn ra từ 29/6 đến ngày 3/7/2024 với thông điệp “Bớt túi nylon, thêm nhiều mầm sống”, các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại là thành viên của Liên minh (TH true mart, Central Retail Việt Nam, AEON Việt Nam, LOTTE Mart Việt Nam…) sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị và bổ ích như các mini-game hỏi và đáp về kiến thức liên quan đến rác thải nhựa: Học mà chơi, chơi mà học; Vòng quay may mắn; Ghé thăm Tiệm chụp ảnh check-in; Lời nhắn gửi tương lai; Cuộc thi trực tuyến “Bớt túi nylon, thêm nhiều mầm sống”.
Chiến dịch LOTTE Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế” đã được LOTTE Mart Việt Nam triển khai hiệu quả, lan tỏa tinh thần tiêu dùng xanh, giảm thiểu túi nylon tới cộng đồng. Năm 2024, LOTTE Mart tiếp tục triển khai Ngày không sử dụng túi nylon tại toàn bộ hệ thống 16 siêu thị trên toàn quốc vào ngày 3/7...
Với mong muốn hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định mua sắm và tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn, AEON Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai Sáng kiến “Rent a bag”. Theo đó khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn trả toàn bộ phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.
Hệ thống siêu thị BigC phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng hóa tổ chức bao gói bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
AEON Việt Nam cũng đồng thời duy trì vận hành các sáng kiến “xanh” khác như Greenline - quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi nylon, sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía...tại khu vực ẩm thực tự chọn. Tại khu vực siêu thị của tất cả các Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON trên toàn quốc, 100% túi mua sắm dành cho khách hàng đều là túi nylon phân hủy sinh học.
Trong khi đó, Central Retail Việt Nam đã và đang thực hiện thành công chương trình “Ngày không túi nylon”, “Mang theo túi riêng đi chợ” tại các siêu thị trên toàn quốc - tiến tới hoàn toàn chấm dứt cung cấp túi nylon ở các siêu thị thuộc hệ thống trong thời gian tới. Central Retail Việt Nam khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nylon khi đi mua sắm bằng cách tái sử dụng túi thân thiện môi trường, bán túi Lohas không lợi nhuận, hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí…
TH là doanh nghiệp sữa đầu tiên ở Việt Nam sử dụng túi từ chất liệu sinh học “xanh” hơn, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm lượng nhựa trên hệ thống bao bì nhãn mác; đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải canvas nhằm hạn chế rác thải nhựa.
Bức tường bao tại nhà văn hóa bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) được hoàn thành từ mô hình gạch sinh thái. Mô hình được phụ nữ Than Uyên làm từ túi nylon và chai nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN |
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái và có trách nhiệm, giảm sử dụng túi nylon và thúc đẩy các giải pháp thân thiện, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững.