Tin 24h ngày 19/9/2023
Thời tiết ngày 19/9: Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Từ 0 đến 4 giờ ngày 19/9, khu vực tỉnh Lai Châu đã có mưa vừa, mưa to như: Phìn Hồ 89,9 mm; Vàng Bó 60,4 mm... Từ 4 giờ đến 10 giờ cùng ngày, Lai Châu tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 70 mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh Lai Châu, đặc biệt tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tam Đường. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1.
Tại tỉnh Yên Bái, từ 23 giờ ngày 18/9 đến 2 giờ ngày 19/9, khu vực này đã có mưa vừa, mưa to như: Vĩnh Lạc 62,4 mm, Liễu Đô 35.2 mm. Từ 2 - 8 giờ ngày 19/9, khu vực tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 60 mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh Yên Bái, đặc biệt các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1.
Tại tỉnh Hà Giang trong 3 giờ qua (từ 2 giờ đến 5 giờ 19/9) tại khu vực tỉnh Hà Giang đã có mưa vừa, mưa to như: Bản Ngần 71,8 mm , Quảng Ngần 41,6 mm...
Trong 6 giờ tới, tại khu vực tỉnh Hà Giang tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 20 - 40 mm, có nơi trên 70 mm.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh Hà Giang, đặc biệt các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì.
Khắc phục điểm sạt lở trên địa bàn Mèo Vạc, Hà Giang. |
Sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh, nhiều ca trong tình trạng nặng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu tăng mạnh. Trong tuần qua (từ 8 đến 15/9), Hà Nội ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 3 ca tử vong.
Hiện toàn thành phố Hà Nội còn 258 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã, riêng huyện Hoài Đức đã ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay.
Đáng lưu ý, trong mùa sốt xuất huyết năm nay, nhiều chuyên gia cảnh báo xuất hiện các ca có dấu hiệu cảnh báo trong tình trạng nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị cho 157 ca sốt xuất huyết, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng. |
Bệnh nhi nữ 15 tuổi ở Thanh Hóa mắc bệnh Whitmore đã tử vong
Sáng 19/9, ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết bệnh nhi mắc bệnh Whitmore ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, đã tử vong dù đã được tích cực điều trị.
Em gái sinh năm 2008, điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa từ ngày 4/9 vừa qua.
Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, từ ngày 22-30/8 vừa qua, bệnh nhi có biểu hiện đau họng, ho, sốt cao, uống nhiều nước, sụt 7kg trong vòng 10 ngày, gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Ngày 1/9, gia đình đưa bệnh nhi đến Phòng khám An Phúc ở xã Tiên Trang, để khám và lấy thuốc theo đơn về điều trị, nhưng bệnh diễn biến ngày càng nặng với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, ăn uống kém...
Tiếp đó, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện 71 Trung ương, tại xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa, để khám và điều trị. Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm cơ bản có chỉ số đường huyết cao, đi tiểu tiện không tự chủ, co giật toàn thân 2 cơn, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút.
Ngày 4/9, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, suy tuần hoàn hô hấp, thở nấc, đồng tử 2 bên 3mm, nhịp tim không đều, nhanh, có nhịp ngoại tâm thu... Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhi được phát hiện các chỉ số về bạch cầu, hồng cầu, định lượng Pro-calcitonin máu... đều tăng cao. Xét nghiệm cấy máu phát hiện bệnh nhi có vi khuẩn gây bệnh Brukholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).
Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận; có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, diễn biến bệnh ngày càng nặng. Bệnh nhi tử vong trong tình trạng suy đa tạng, phải lọc máu nhiều lần.
Trước đó, vào tháng 11/2022, tại Thanh Hóa cũng đã ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Whitmore, trong đó trường hợp ở thị xã Nghi Sơn cũng đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử ruột sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngành Y tế Thanh Hóa khuyến cáo người dân, Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore, vì vậy khi có nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời./.
Chỉ riêng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, trung bình mỗi ngày điều trị hơn 40 bệnh nhân hồi sức cấp cứu nói chung, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyết trong tình trạng nặng và khám cấp cứu trên dưới 50 ca sốt xuất huyết/ngày.
Bệnh nhân N.T.T., 32 tuổi ở Hoài Đức vào Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 8/9/2023 vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4. Trước đó bệnh nhân có truyền dịch trong 3 ngày đầu. Khi vào viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, phổi phải 10 cm, phổi trái 9 cm, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao > 8000.
Bệnh nhân T. được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.
Bệnh nhân thứ 2 cũng trong tình trạng nặng là N. T. X. 76 tuổi cùng ở Hoài Đức vào viện ngày 13/9/2023. Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, Viêm gan B, vào viện vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5 có đại tiện phân đen số lượng nhiều.
Bệnh nhân X. vào viện trong tình trạng nhợt nhạt, mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm còn 2 triệu/mm3. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue nặng, được truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày. Sau 6 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện. Bệnh nhân tỉnh táo, dễ chịu hơn.
Thạc sỹ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền; Nên bù nước điện giải bằng đường uống (VD Oresol), hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.
Sau ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận/huyện cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt xác định việc loại trừ ổ bọ gậy là căn cơ cốt yếu để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết./.
Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch do vết thương thấu ngực
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa nỗ lực cứu sống bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, sốc mất máu biến chứng ngưng tim nguy kịch.
Ngày 12/9, bệnh nhân nam T.V.T (sinh năm 1973, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) bị vết thương đâm thấu ngực, được bệnh viện địa phương sơ cứu trong tình trạng sốc mất máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí, tràn máu màng phổi. Tại đây, các bác sỹ đã truyền máu, phẫu thuật khâu cầm máu và dẫn lưu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện rất nguy kịch, niêm nhợt, da xanh, hôn mê, bóp bóng, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp đang sử dụng vận mạch liều cao.
Bệnh nhân được cấp cứu thở máy, truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu… tình trạng thiếu máu nặng không cải thiện. Các bác sỹ liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ hội chẩn và quyết định chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang, ghi nhận tình trạng thoát mạch vùng nách phải.
Bệnh nhân được tiến hành chụp và nút động mạch điều trị cầm máu số hóa xóa nền (DSA). Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa, đặc biệt trên bệnh nhân đang trong tình trạng choáng mất máu nặng, rối loạn đông máu. Ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch dưới đòn phải đã được ê-kíp tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo. Thủ thuật thành công sau 30 phút.
Quá trình cấp cứu, bệnh nhân được truyền 27 đơn vị máu và chế phẩm của máu. Sau can thiệp, huyết áp và tình trạng thiếu máu của bệnh nhân cải thiện tốt. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, vết mổ khô, dấu hiệu sinh tồn ổn. Bệnh nhân được cai máy thở, tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vết thương thấu ngực là cấp cứu ngoại khoa tối khẩn cấp, với sự tham gia kết hợp đa chuyên khoa. Các bác sỹ phải vừa hồi sức cấp cứu chống sốc vừa phẫu thuật cầm máu giải quyết nguyên nhân mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do vết thương thấu ngực có biến chứng sốc mất máu nặng lên đến 20%.
Bác sỹ Trầm Công Chất nhận định, để ca cấp cứu vết thương thấu ngực thành công cần phối hợp nhiều yếu tố như xử trí ban đầu của bệnh viện địa phương, việc cung cấp máu và chế phẩm máu, năng lực chuyên môn bác sỹ can thiệp chính khi áp dụng kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp nội mạch. Do đó, bác sỹ Chất khuyến cáo, khi bị vết thương đâm thấu ngực cần đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách. Sau đó, bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện có đủ điều kiện chuyên môn sâu và máy móc hiện đại để được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Lào Cai: Tai nạn giao thông, 4 người thương vong
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai cho biết, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 19/9, tại Km 31, đường tỉnh lộ 151B thuộc địa phận thôn Bẻ 3, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, một vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khiến 4 người thương vong.
Vụ va chạm xảy ra giữa xe ô tô tải 26C - 065.66 do Phùng Văn Lý (sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) điều khiển với xe mô tô 24V1-214.94 do chị Vương Thị Dục (sinh năm 1996, hộ khẩu thường trú thôn Bẻ 4, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) điều khiển. Xe mô tô chở theo ba cháu nhỏ là: Vương Hồng D. (sinh năm 2014), Vương Quỳnh C. (sinh năm 2017) và Hoàng Hải D. (sinh năm 2016). Hậu quả, cháu Hoàng Hải D. tử vong tại hiện trường. Chị Vương Thị Dục và hai cháu Vương Hồng D., Vương Quỳnh C. bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn. Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn, chị Vương Thị Dục đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, lực lượng Công an huyện Văn Bàn, Công an xã Chiềng Ken đã khẩn trương triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ, đồng thời bảo vệ hiện trường. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.
Phạt 24 năm tù vì làm khống 17 sổ đỏ
Ngày 18/9, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án sơ thẩm hình sự Phan Ngọc Phương 24 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, từ tháng 5/1990 đến tháng 8/2017, Phương công tác tại Ủy ban nhân dân xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Phương được giao nhiệm vụ quản lí đất đai trên bản đồ địa bàn xã này và tiếp nhận làm các thủ tục cấp mới, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Phương lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, đã làm thủ tục cấp 17 sổ đỏ khống cho chính Phương và vợ con, cha mẹ ruột của Phương đứng tên. Việc làm sai trái của Phương đã xâm phạm đến lợi ích của nhà nước và các cá nhân với giá trị tại thời điểm cấp giấy hơn 4,7 tỷ đồng và thời điểm định giá hơn 7 tỷ đồng.
Phương sử dụng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khống thế chấp ngân hàng, quỹ tín dụng hơn 1 tỷ đồng; làm thủ tục chuyển nhượng 7 quyền sử dụng đất khống cho nhiều người dân để chiếm đoạt số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Ngày 19/7/2021, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bắt giam Phương để điều tra.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh xác định các sổ đỏ khống mà người thân Phương đứng tên đều do chính Phương tự làm, không bàn bạc thỏa thuận với họ và họ không hay biết việc làm của Phương nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các cá nhân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Bình Thủy, chủ tịch hội đồng xét duyệt, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Châu Phú, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Châu Phú đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phương và người thân của Phương là chưa bảo đảm quy định pháp luật.
Vấn đề này, Công an tỉnh đã trưng cầu Bộ Tài nguyên Môi trường giám định quy trình, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, khi nào có kết quả Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng học phí đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc cho phép tăng học phí bậc đại học, giữ nguyên học phí bậc phổ thông.
Trong tờ trình về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu khó khăn, nếu học phí năm học 2023 -2024 thực hiện theo Nghị định 81, mức trần sẽ tăng cao, trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.
Trong các năm 2021, 2022, 2023, Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch COVID-19. Do vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã giữ nguyên trong 3 năm học vừa qua.
Tháng 8/2023, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.
Nhiều ý kiến đều cho rằng, học phí năm học 2023 - 2024 cần được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.
Với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng trên 80% tổng nguồn thu của trường, khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Nhiều trường đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.
Tại tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35 - 2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là 980.000 đồng - 1,43 triệu đồng/tháng.
Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4 - 6,15 triệu đồng/tháng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trình phương án giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.
Thanh Hóa: Khởi tố nguyên Giám đốc và Kế toán về tội "Tham ô tài sản"
Ngày 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành các Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên Giám đốc và Kế toán Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 về tội Tham ô tài sản.
Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành quyết định bắt tạm giam Lê Chí Cường. |
Theo đó, hai bị can là Lê Chí Cường, sinh năm 1969 ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, nguyên Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, hiện là Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thanh Hóa và Đỗ Thị Dung, sinh năm 1985 ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, nguyên kế toán trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, hiện là Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính tổng hợp, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2017 đến 2020, trong quá trình thực hiện Đề tài khoa học "Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề tại Cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa" và "Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa" của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, Lê Chí Cường với vai trò là Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã chỉ đạo Đỗ Thị Dung là kế toán trưởng (kế toán dự án) lập khống hồ sơ, chứng từ chi công lao động thuê ngoài 907.200.000 đồng để đưa cho Lê Chí Cường sử dụng cá nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Camera nhỏ nhất thế giới có kích thước chỉ bằng hạt muối
CameraCubeChip có kích thức chỉ bằng hạt muối. Ảnh: O.C |
Được phát triển bởi Omnivision - công ty công nghệ toàn cầu chuyên về các giải pháp hình ảnh kỹ thuật số, analog, cảm ứng và thiết bị hiển thị tiên tiến cho nhiều ứng dụng trong nhiều ngành - CameraCubeChip dựa trên cảm biến OVM6948 siêu nhỏ, đã lập Kỷ lục Guinness là cảm biến hình ảnh thương mại nhỏ nhất thế giới hiện nay.
Thiết bị này có thể gắn trên nhiều dụng cụ y tế khác nhau - bao gồm ống nội soi và ống thông có đường kính nhỏ tới 1,0 mm. Kích thước nhỏ ấn tượng này cũng giúp thiết bị có thể đi sâu vào các mạch máu hẹp nhất của cơ thể trong các thủ thuật thần kinh, nhãn khoa, tai mũi họng, tim, cột sống, tiết niệu, phụ khoa và nội soi khớp.
Mặc dù có kích thước nhỏ bé, OVM6948 CameraCubeChip có độ phân giải rất cao 40 KPixel (200 x 200 điểm ảnh), cung cấp hình ảnh chất lượng cao ở một số khu vực nhạy cảm nhất trên cơ thể con người. Đây cũng là camera gắn chip duy nhất trên thế giới có khả năng chiếu sáng mặt sau mang lại hiệu suất ánh sáng tốt hơn, nhằm giúp giảm nhiệt của đèn LED.
Theo trang web Omnivision, với mức tiêu thụ điện năng thấp của cảm biến, nhiệt tạo ra ở đầu xa của ống nội soi sẽ ít hơn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân thoải mái hơn và cho phép các bác sĩ thực hiện thủ thuật trong thời gian dài hơn.
Camera nhỏ nhất thế giới có thể ghi hình với góc quay 120 độ và phạm vi lấy nét mở rộng từ 3 - 30 mm. Thiết bị này cũng có thể quay video với tốc độ lên tới 30 khung hình/giây và đầu ra analog có thể truyền đi hơn 4 mét với độ ồn tối thiểu.