1. Vào chung kết AFF Cup 2022, ĐT Việt Nam nhận thưởng khủng

Theo thông báo mới nhất từ VFF, với chiến thắng 2-0 trước Indonesia và giành quyền vào chung kết, ĐT Việt Nam được VFF thưởng 1,5 tỷ đồng. Trước đó, sau trận lượt đi trên sân Indonesia, đội cũng đã được VFF thưởng động viên 500 triệu đồng. Tổng cộng 2 trận bán kết là 2 tỷ đồng tiền thưởng. ĐT Việt Nam đã đánh bại Indonesia ở trận bán kết lượt về với tỷ số 2-0. Nhờ vậy, ĐT Việt Nam giành quyền vào chơi trận chung kết sau khi có được tổng tỷ số 2-0 trước Indonesia sau 2 lượt trận. Ngoài 2 tỷ đồng nêu, các trận còn lại, tuyển Việt Nam còn được thưởng trận thắng Lào 500 triệu đồng, thắng Malaysia 1 tỷ đồng, thắng Myanmar 500 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng đoàn quân áo đỏ đã nhận 4 tỷ tiền thưởng cho thành tích vào chung kết AFF Cup 2022. Con số này chắc chắn còn tăng lên nhiều nếu Quang Hải và đồng đội giành chiến thắng ở chung kết. Theo lịch, đội tuyển Việt Nam sẽ đá trận chung kết lượt đi trên sân Mỹ Đình vào ngày 13/1, sau đó 3 ngày là trận đấu sân khách. Đối thủ của đoàn quân áo đỏ được xác định vào tối 10/1, sau trận bán kết lượt về giữa Thái Lan và Malaysia.

  1. Giá vàng giao dịch quanh mốc 67 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 10/1 tại các công ty vàng bạc đá quý ổn định, giao dịch quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Thời điểm 8 giờ 47 phút, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66 - 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,2 - 67,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua. Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng SJC niêm yết ở thị trường Hà Nội là 66 - 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua

  1. Thu nhập bình quân của lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước và tăng 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2022, thu nhập ở hầu hết các ngành kinh tế đều tăng. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình lao động-việc làm quý 4 và năm 2022 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội. Năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950.000 đồng so với năm trước và tăng 830.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914.000 đồng so với năm trước và tăng 709.000 đồng so với cùng năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, kéo theo thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất. Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% tương ứng tăng 1 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8% tương ứng tăng 448.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021.

  1. Học sinh THPT được đổi môn học tự chọn vào cuối năm học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp Trung học Phổ thông (THPT). Trước tình hình thực tế hiện nay đối với năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Trung học Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp Trung học Phổ thông. Cụ thể, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình mới với lớp 10. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn học tự chọn. Các trường đã xây dựng các tổ hợp môn học và hướng dẫn học sinh lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, sau một học kỳ, một số trường hợp nhận thấy việc lựa chọn những môn học đó là chưa phù hợp và mong muốn đổi môn học. Một số học sinh vì lý do cá nhân phải chuyển trường giữa các tỉnh, thành phố thì trường nơi các em chuyển đến lại không có tổ hợp môn phù hợp với các môn đã học ở trường cũ, nên gặp nhiều khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường còn lúng túng, vì trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trên.

  1. Đột ngột hoãn thi IELTS ngày 10-1, khi nào Hội đồng Anh tổ chức kỳ thi tiếp theo?

Hội đồng Anh đề nghị thí sinh gọi đến đường dây nóng hoặc để lại số điện thoại để được thông báo về kỳ thi IELTS thay thế miễn phí trong thời gian tới Hội đồng Anh (British Council) vừa có thông báo về việc hoãn kỳ thi IELTS ngày 10-1 khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ. Thông tin tới thí sinh về lý do tạm hoãn này, Hội đồng Anh cho biết do lỗi hệ thống, đơn vị này không thể tổ chức kỳ thi IELTS vào ngày 10-1. Trong email gửi các thí sinh, Hội đồng Anh chưa thông báo chính xác thời gian sẽ tổ chức kỳ thi thay thế, đơn vị này cũng đề nghị thí sinh gọi đến đường dây nóng hoặc để lại số điện thoại để được thông báo về kỳ thi thay thế miễn phí trong thời gian tới. Trước đó, việc các đơn vị đột ngột tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã khiến nhiều người học không tránh khỏi tâm lý lo lắng sẽ bị lỡ dở kế hoạch, cơ hội học tập và việc làm.

  1. Việt Nam nhập khẩu ô tô kỷ lục từ Indonesia năm 2022

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc (CBU) tháng 12/2022 đã sụt giảm nhẹ cả về lượng lẫn giá trị so với tháng liền trước, đạt 21.624 chiếc và 417,4 triệu USD. Lượng xe ô tô nhập khẩu tháng 11/2022 đạt 22.118 chiếc trong khi giá trị kim ngạch đạt 439,8 triệu USD. Tuy nhiên, cộng dồn cả năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU vẫn đạt 170.190 xe và hơn 3,65 tỷ USD, tăng gần 8,6% về lượng và tăng hơn 5,3% về giá trị so với năm ngoái. Xét theo xuất xứ, các loại ô tô đến từ Indonesia đang trở thành "ngôi sao" tại thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam năm vừa qua. Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, đã có đến 72.671 ô tô CBU được nhập khẩu từ xứ sở vạn đảo trong năm 2022, tăng đến 64,2% so với năm 2021. Tỷ lệ tăng trưởng về giá trị kim ngạch còn cao hơn rất nhiều khi vượt lên đến 88,2% so với năm ngoái, đạt tổng cộng 1,053 tỷ USD. Đây là các con số kỷ lục về kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU từ Indonesia. Trong đó, 2022 là năm đầu tiên giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam từ đất nước vạn đảo vượt mốc 1 tỷ USD. Các con số nêu trên đã giúp Indonesia trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ 2 vào Việt Nam, xếp sau Thái Lan và bỏ lại các nước và vùng lãnh thổ khác một khoảng cách rất xa.

  1. Ngành đường sắt áp dụng giá vé mới từ ngày 13-2

Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) sẽ áp dụng chính sách giá vé mới, cùng nhiều chương trình giảm giá khi mua xa ngày đi tàu từ 0 giờ ngày 13-2 đến ngày 26-4. quy định chung mức giá tối thiểu của 1 vé hành khách khi đi tàu hỏa (bao gồm thuế VAT và phí bảo hiểm hành khách) là 30.000 đồng/vé, áp dụng cho tất cả các loại chỗ, loại tàu. Riêng các đối tượng chính sách xã hội mua vé giảm giá vẫn được hưởng mức giảm theo quy định và số tiền sau khi tính giảm là giá vé thực tế (không áp dụng giá vé tối thiểu). Giá vé ghế phụ bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất quy định trong bảng giá vé tính sẵn tương ứng với mác tàu. Quy định về việc miễn giảm giá vé, quy tròn giá vé, phí bảo hiểm hành khách, giá vé chỗ ngồi/nằm, trả lại tiền chênh lệch cho hành khách… vẫn áp dụng theo quy định hiện hành. Cũng trong thời gian này, đường sắt áp dụng chương trình giảm giá vé đối với hành khách mua vé cá nhân xa ngày đi trên các đoàn tàu khách SE3/4, SE7/8 Sài Gòn – Hà Nội (có cự ly vận chuyển từ 900km trở lên) và tàu SE21/22 Sài Gòn – Đà Nẵng, SE25/26 Sài Gòn – Quảng Ngãi (có cự ly vận chuyển từ 600km trở lên). Hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ 5-9 ngày được giảm 5% giá vé; trước 10-19 ngày được giảm 10%; trước 20-39 ngày được giảm 20%; trước từ 40 ngày trở lên được giảm 30%. Tuy nhiên, chính sách giảm giá này không áp dụng với loại chỗ giường nằm khoang 4 giường tàu SE3. Đối với hành khách mua vé cá nhân đi trên các đoàn tàu khách SQN1/SQN2 Sài Gòn – Quy Nhơn (có cự ly vận chuyển từ 400km trở lên) và tàu SNT1/SNT2 Sài Gòn – Nha Trang (có cự ly vận chuyển từ 300km trở lên), các mức giảm giá vé theo thời gian mua vé trước ngày đi tàu tương tự như đối với tàu SE3/SE4. Nhưng không áp dụng với loại chỗ khoang 4 giường tàu SNT1/SNT2. Hành khách mua vé cá nhân chặng suốt đi trên đoàn tàu khách SPT1/SPT2 Sài Gòn – Phan Thiết trước từ 10 ngày trở lên, được giảm 10% giá vé; không áp dụng loại chỗ khoang 4 giường. Đường sắt quy định mức phí đổi, trả vé đối với các vé giảm giá tương đương mức giảm và phải đổi, trả trước giờ tàu chạy 72 giờ. Giá bán cho hành khách mua xa ngày từ 10 ngày trở lên không áp dụng cho mua vé khứ hồi, các đối tượng chính sách xã hội bởi nhóm đối tượng này có chính sách giảm giá riêng.

  1. Giá xăng ngày mai dự báo có thể giảm

Chiều mai (11/1) là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Tuy nhiên, đến sáng nay, dữ liệu từ Bộ Công Thương chưa cập nhật giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore sau kỳ điều hành ngày 3/1. Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần đầu tiên của năm 2023 giảm khá mạnh. Sang tuần này, giá dầu thô vẫn có xu hướng giảm. Cả hai mặt hàng dầu thô chuẩn là Brent và WTI đều giảm xuống dưới mức 80 USD/thùng. Theo Oilprice, vào lúc 10h10' ngày 10/1 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,34 USD/thùng, tương ứng 0,46%, xuống mức 74,29 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giảm 0,4 USD/thùng, tương ứng 0,5%, về mức 79,25 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm là bởi sức mua yếu và lo ngại suy thoái kinh tế diễn ra khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, do giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nên giá xăng dầu trong nước có thể cũng giảm. Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày 11/1, nếu cơ quan điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng có thể giảm từ 100-180 đồng/lít, giá dầu có khả năng giảm từ 200-400 đồng/lít. Trong trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn hoặc giữ nguyên. Như vậy, nếu dự đoán trên là đúng thì giá xăng dầu ngày mai có cơ hội giảm sau khi tăng trong kỳ điều chỉnh giá trước đó. Tại kỳ điều hành ngày 3/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 tăng 330 đồng/lít, giá bán là 21.350 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 350 đồng/lít, lên mức 22.150 đồng/lít. Giá dầu diesel giữ nguyên, giá bán là 22.150 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, lên mức 22.760 đồng/lít. Cũng tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ bình ổn giá với xăng E5 và RON95; trích lập quỹ với dầu diesel là 605 đồng/lít, dầu hỏa 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.

  1. Từ tháng 1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế

Từ tháng 1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở đồng thời tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù. Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; Từ tháng 1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch). Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết 34/2021/QH15.

  1. Từ 15/2/2023, hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi ốm đau như thế nào?

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Cụ thể, theo Thông tư 18/2022/TT-BYT, từ ngày 15/2/2023, ngoài trường hợp người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng… phải kèm điều kiện không thể tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày thì người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn cũng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, người lao động có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ mà không cần chờ đến 2 năm như quy định cũ. Đồng thời, người lao động không mất phí khám giám định nếu kết quả giám định lại đủ điều kiện được điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 18/2022/TT-BYT cũng quy định, với mỗi lần khám, người lao động sẽ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, Thông thường, giấy này chỉ được nghỉ tối đa 30 ngày. Trường hợp cần nghỉ dài hơn 30 ngày, thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ người bệnh phải tiến hành tái khám. Trong trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì số ngày nghỉ sẽ được thực hiện theo luật bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp. Theo đó, từ 15/2/2023, số ngày nghỉ ghi trên giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội có thể lên đến 50 ngày thay vì chỉ 30 ngày như quy định trước đó. Từ ngày 15/2/2023, ngoài các giấy tờ bản chính hoặc bản sao hợp lệ của hồ sơ bệnh án; giấy xác nhận khuyết tật; giấy ra viện; sổ khám bệnh, người lao động còn có thể sử dụng bản chính hoặc bản sao hợp lệ của phiếu khám bệnh; phiếu kết quả cận lâm sàng hoặc đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về hướng dẫn cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người mắc Covid-19, người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội sau khi kết thúc điều trị. Trường hợp người bệnh đã điều trị Covid-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì có thể đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh đã điều trị cấp. Với trường hợp sau khi ra viện mà trong giấy ra viện có ghi thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian đó được tính nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nếu sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly. Còn trong trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đã giải thể, các cơ sở khám, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý phải cấp, cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động.