Đưa định hướng nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy
Đưa định hướng nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại họcThái Nguyên) |
Nắm bắt xu thế đó, từ năm học này, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại họcThái Nguyên) đưa học phần định hướng nghề nghiệp vào giảng dạy các ngành/chuyên ngành trình độ đại học. Đây là một nội dung quan trọng và cần thiết nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các ngành nghề, hỗ trợ sinh viên xác định hướng đi nghề nghiệp phù hợp với bản thân trong tương lai.
Đây là 1 buổi học về định hướng nghề nghiệp của Khoa Kinh tế và Quản trị, mặc dù là những bài học đầu tiên, nhưng đã thu hút rất đông sinh viên tham gia. Đặc biệt với những sinh viên năm nhất, những tiết học như thế này mang đến cho các em những kiến thức bổ ích, gợi mở cho các em về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Sinh viên Phạm Văn Xuyên, Lớp Quản trị Văn phòng K23C, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông |
Sinh viên Phạm Văn Xuyên, Lớp Quản trị Văn phòng K23C, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Em cảm thấy đây là môn học rất là bổ ích cho những sinh viên năm thứ nhất cho chúng em. Có môn học chúng em cũng hiểu rõ hơn về ngành nghề mà mình đang theo học cũng như là xác định được về những cơ hội, sự phát triển của bản thân, tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Sinh viên Trần Thị Phương Anh, Lớp Thương mại điện tử K23A, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông |
Sinh viên Trần Thị Phương Anh, Lớp Thương mại điện tử K23A, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: Có môn học đến doanh nghiệp, em hiểu rằng là để tìm kiếm được một công việc phù hợp với bản thân thì trước hết mình phải nhận thức được bản thân mình, nhận thức được về điểm mạnh, cũng như điểm yếu, thiếu sót của bản thân mình dựa vào đó để có thể lên được kế hoạch học tập, rèn luyện sao cho phù hợp với công việc, ngành nghề của mình đã lựa chọn.
Để đáp ứng yêu cầu về nội dung giảng dạy cũng như nhu cầu học tập của sinh viên, đội ngũ giảng viên của trường đã nghiên cứu, biên soạn giáo trình, kết cấu bài giảng một cách phù hợp, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về các ngành nghề; nội dung tổng quan, xu hướng phát triển và cơ hội tìm kiếm việc làm.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Kinh tế và Quản trị, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Kinh tế và Quản trị, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết: Môn học này sẽ cung cấp cho sinh viên những cái nhìn tổng quát nhất về những ngành nghề mà các em đang theo học cũng như là giúp các em có thể tự xây dựng được một bản hoạch định phát triển bản thân, trong đó các em có thể xác định được bản thân mình những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như là xây dựng được những nội dung mà chuyên về chuyên môn cũng như là kiến thức để các em có thể tự trau dồi, bồi dưỡng và bổ sung để làm sao có thể đáp ứng được tốt nhất yêu cầu ngành nghề sau khi ra trường.
Hiện tại, học phần định hướng nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào các nội dung: Giới thiệu về các ngành nghề; Khả năng định hướng nghề nghiệp và xây dựng kế hoạch phát triển bản thân. Bên cạnh đó là tìm hiểu thực tế từ doanh nghiệp; Xu thế và nhu cầu của thị trường lao động; Trang bị kiến thức kỹ năng mềm cho sinh viên.
Tiến sĩ Vũ Xuân Nam, Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên |
Tiến sĩ Vũ Xuân Nam, Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi cũng mời những doanh nghiệp đứng đầu ở trong lĩnh vực ngành, để làm sao giúp cho sinh viên ngay từ năm đầu định hướng được nghề nghiệp, cập nhật được tình hình thực tiễn xã hội một cách mới nhất, giúp các em có thể có được định hướng, cũng là xây dựng được lộ trình và có được hành trang sẵn sàng cho 4 năm học tập tại nhà trường đạt được cái hiệu quả tốt nhất.
Đến thời điểm này, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông có quy mô đào tạo hơn 10.000 sinh viên và học viên cao học, 98% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn đạt trên 80%, đặc biệt có khoảng 30% số sinh viên ký hợp đồng với các công ty từ năm thứ 3 đại học.
Có thể thấy rằng, việc đưa học phần định hướng nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy là hướng đi đúng, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.