tim hieu nghe thuat pha tra
Các thí sinh tham dự Vòng Chung khảo Cuộc thi Người đẹp xứ Trà tìm hiểu nghệ thuật pha trà với các Trà nương của Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Hà

Văn hoá Trà Việt có từ rất lâu đời trong dòng chảy văn hoá Việt Nam. Trong dòng chảy đó, nét văn hóa Trà Thái Nguyên hiện lên độc đáo, nổi bật và ghi dấu đậm nét trong lòng người sành trà và công chúng uống trà. Nét văn hóa ấy cùng không gian văn hóa vùng Trà "đệ nhất" gắn với hình ảnh những nữ tú cần cù, khéo léo, yêu thiên nhiên, hiểu biết và tinh tế.

Các thí sinh đã được các Trà nương hỗ trợ tìm hiểu về văn hóa Trà, đặc biệt là nghệ thuật pha trà, hướng dẫn pha trà ngon, khéo và lôi cuốn. Để có một chén trà ngon, việc đầu tiên là phải chọn được chè ngon, hợp khẩu vị; hai là phải pha trà đúng cách; ba là chọn được nước ngon; bốn là chọn được ấm tốt. Qua đó, có thể thấy, nghệ thuật pha trà có vai trò quan trọng như thế nào trong văn hóa Trà.

Trình tự pha trà bao gồm:

Trước hết, người pha trà phải làm nóng bộ đồ pha trà bằng cách cho nước sôi vào ấm và đặt các chén uống trà vào âu nước sôi nhằm tráng và làm nóng ấm, chén thưởng trà; sau đó, đổ nước tráng đi.

Tiếp theo, dùng thìa gỗ múc trà vào ấm (còn gọi là "Ngọc diệp hồi cung”); Châm nước lần đầu rồi chắt ra ngay ("Cao sơn trường thuỷ”), nhằm tráng trà tẩy sạch bụi trần; Châm nước vào ấm trà lần hai ("Hạ sơn nhập thuỷ”), lần châm nước này vào đầy ấm để khi đậy nắp lại nước trong ấm tràn ra, rồi dội nước sôi lên bề mặt nắp ấm để làm sạch miệng ấm và làm tăng thêm độ nóng cho ấm trà, sau đó chờ từ 3 đến 4 phút đợi cho trà ngấm để dâng trà.

Theo Trà nương Quản Vĩnh Lựu, Trưởng phòng Tuyên truyền cổ động triển lãm của Trung tâm Văn hóa tỉnh: "Khi pha trà, người pha phải chú tâm đến toàn bộ các bước, có nguyên tắc trong cách trình bày ngay từ việc sắp xếp các trà cụ đến việc thực hành pha trà".

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thị Thiệp, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động cho biết: "Đây là lần thứ tư chị được tham gia hướng dẫn thí sinh Cuộc thi Người đẹp xứ Trà tìm hiểu nghệ thuật pha trà. Cuộc thi năm nay, trong vai trò là người phụ trách hướng dẫn pha trà, Trà nương Vũ Thị Thiệp cũng lưu ý với các thí sinh cần chú ý đến phong thái khi pha trà, khuôn dung trang nhã, nhất là thể hiện được sự mềm dẻo và khéo léo của đôi bàn tay, làm sao toát lên tính nghệ thuật, sự tinh tế trong pha trà và thưởng trà".

Sau những vụng về, bỡ ngỡ ban đầu, các thí sinh đã dần thuần thục. Một số thí sinh cho biết, các bước pha trà cũng dễ nhớ, nhưng khó ở cách thể hiện, trình bày vì đòi hỏi sự tỉ mỉ và đặt cả tâm tư, tình cảm vào việc pha trà. Thí sinh Nhâm Thủy Tiên tâm sự: "Em vốn là người làng chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, nên cũng hiểu đôi chút về các bước pha trà. Tuy nhiên, khi được tập luyện nghệ thuật pha trà, em thấy rằng không giống với cách pha trà thường ngày mà có nhiều công đoạn hơn, chi tiết hơn và đòi hỏi người pha phải tập trung cao độ".

Tìm hiểu nghệ thuật pha trà, tập pha trà, cùng với việc trải nghiệm vùng chè, trải nghiệm ẩm thực trà...sẽ giúp các thí sinh nâng cao sự hiểu biết của mình về kiến thức và văn hóa Trà, hiểu thêm về đất và người Thái Nguyên, về vùng đất "Đệ nhất danh Trà"./.