Tiểu hành tinh nổ tung trên bầu trời Nga
Thiên thạch rộng 4 mét qua mắt hệ thống cảnh báo tiểu hành tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và được phát hiện đầu tiên bởi các cảm biến do chính phủ Mỹ thiết kế để nhận biết vụ nổ hạt nhân sau khi lao qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ hơn 52.000 km/h, theo Tech Times. Vật thể phát nổ ở độ cao 27 km hôm 21/6, phát ra ánh sáng chói mắt tới mức có thể quan sát vào sáng sớm tại vài thành phố Nga, trong đó có thành phố Lipetsk ở đông nam Moskva.
Hình ảnh từ camera hành trình trên xe cho thấy quả cầu lửa sáng lóa giữa không trung trong một giây và để lại vệt khói dài lưu lại vài phút trên nền trời. "Nhân chứng báo cáo về vụ nổ ở các thành phố Kursk, Lipetsk, Voronzeh và Orel", Tổ chức Sao băng Quốc tế (IMO) cho biết. Nhà chức trách xác nhận năng lượng của vụ nổ là 2,8 kiloton. Tác động từ vụ nổ không đủ lớn để gây ra thiệt hại và không có người nào bị thương.
Lindley Johnson, nhân viên ở Văn phòng bảo vệ hành tinh của NASA, nói những tiểu hành tinh bay theo hướng này thường bị ánh sáng Mặt Trời làm mờ đi nên rất khó quan sát. Đây cũng được cho là hướng di chuyển của thiên thạch đường kính 20 mét rơi xuống thành phố Chelyabinsk, Nga, năm 2013 và phát nổ với năng lượng lên tới 440 kiloton, khiến 400 người bị thương. Phần lớn thương tích gây ra bởi mảnh kính bắn ra từ các cửa sổ vỡ do sóng xung kích.