Tiêu diệt ung thư chỉ bằng một mũi tiêm
Một mũi tiêm trực tiếp vào khối u rắn có thể đặc dấu chấm hết cho ung thư? |
Nghiên cứu về những phương pháp hiệu quả hơn điều trị tất cả các loại ung thư đang ngày càng nhiều lên trong vài năm qua, luôn mang lại những niềm hy vọng mới.
Một số thí nghiệm gần đây nhất bao gồm việc sử dụng công nghệ nano tiên tiến để truy tìm các khối u vi thể, vi sinh vật biến đổi gen tiêu diệt ung thư, và bỏ đói khối u ác tính đến chết.
Nghiên cứu mới nhất từ Trường Y thuộc Đại học Stanford, California, đã nghiên cứu một khả năng tiếp cận khác: tiêm những lượng rất nhỏ 2 tác nhân kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể trực tiếp vào khối u rắn ác tính.
Cho đến nay, nghiên cứu trên chuột đã cho thấy thành công trong việc loại bỏ các khối u trên khắp cơ thể.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu có lý do để tin vào bước tiến nhanh hơn đối với các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp này, vì một trong những tác nhân trong thí nghiệm đã được phê duyệt để sử dụng trên người, trong khi tác nhân kia đã được thử nghiệm lâm sàng để điều trị u lymphom.
Các phát hiện của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
Công thức “điều trị một lần”
Liệu pháp miễn dịch là một loại điều trị, trong đó đáp ứng miễn dịch của cơ thể được tăng cường tới mức có thể nhắm vào tế bào ung thư để chống lại u lymphom, hoặc ung thư hệ bạch huyết.
Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch, bao gồm một số giúp tăng cường toàn bộ hệ miễn dịch của cơ thể và một số khác nhắm trúng đích hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, tất cả đều có những nhược điểm.
Chúng có thể có các phản ứng phụ, tốn nhiều thời gian hoặc đơn giản là quá tốn kém. Tuy nhiên phương pháp của nhóm được cho là có nhiều lợi ích - thậm chí vượt trên cả hiệu quả điều trị.
TS. Ronald Levy, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích: "Cách tiếp cận của chúng tôi sử dụng một lần duy nhất lượng rất nhỏ của hai tác nhân để chỉ kích thích các tế bào miễn dịch trong khối u”. Phương pháp này có thể "dạy" các tế bào miễn dịch cách chống lại loại ung thư cụ thể đó, sau đó cho phép chúng di chuyển và tiêu diệt tất cả các khối u khác đã có.
Mặc dù vai trò của hệ miễn dịch là phát hiện và loại bỏ những “vật thể ngoại lai” có hại, nhiều loại tế bào ung thư có thể trốn thoát khỏi sự phát hiện theo này những cách phức tạp, cho phép chúng phát triển và lan rộng.
Một loại tế bào bạch cầu được gọi là tế bào T đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bình thường, các tế bào T sẽ nhắm vào và chống lại khối u ung thư, nhưng thường thì các tế bào ung thư học được cách "đánh lừa" chúng và thoát khỏi phản ứng miễn dịch.
Hiệu quả chống lại nhiều loại ung thư
Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu của TS Levy đã đưa vài microgram của hai tác nhân cụ thể vào một vị trí khối u rắn của từng con chuột bị bệnh. Các tác nhân được sử dụng là:
• CpG oligonucleotid, một đoạn ngắn của ADN tổng hợp tăng cường khả năng biểu hiện thụ thể OX40 của tế bào miễn dịch, được tìm thấy trên bề mặt tế bào T
• một kháng thể gắn với thụ thể, hoạt hóa tế bào T
Khi các tế bào T được kích hoạt, một số di chuyển đến những phần khác nhau của cơ thể, "săn tìm" và phá hủy các khối u khác.
Quan trọng hơn, có thể sử dụng phương pháp này để nhắm vào nhiều loại ung thư khác nhau; trong mỗi trường hợp, tế bào T sẽ "học" để đối phó với loại tế bào ung thư cụ thể mà chúng đã tiếp xúc.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã lần đầu tiên áp dụng phương pháp này cho mô hình u lympho trên chuột, và 87 trong số 90 con chuột không còn ung thư. ở 3 trường hợp còn lại, các khối u tái phát, những đã biến mất khi điều trị lần thứ hai.
Kết quả thành công tương tự cũng được quan sát thấy trong trên mô hình chuột bị ung thư vú, đại tràng và ung thư da. Hơn nữa, ngay cả những con chuột bị biến đổi gen để phát triển ung thư vú cũng đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này.
“Cách tiếp cận trúng đích”
Tuy nhiên, khi cấy ghép hai loại khối u ung thư là u lympho và ung thư đại tràng – trên cùng một con chuột thí nghiệm, nhưng chỉ tiêm thuốc vào vị trí u lympho, thì kết quả khá phức tạp.
Tất cả các khối u lympho đã nhỏ lại, nhưng khối u ung thư đại tràng thì không, chứng tỏ các tế bào T chỉ học cách đối phó với những tế bào ung thư nằm ngay trong tầm với trước khi tiêm.
Đây là một cách tiếp cận rất trúng đích, chỉ có khối u có chung đích protein biểu hiện ở vị trí điều trị mới bị tác động. Có thể tấn công những đích cụ thể mà không cần xác định chính xác tế bào T đang nhận diện những protein nào.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị cho một thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra hiệu quả của điều trị này ở những người bị u lympho độ thấp. Hy vọng rằng nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, họ sẽ có thể mở rộng liệu pháp này tới hầu như mọi loại khối u ung thư ở người.
Nhóm nghiên cứu kết luận: "Tôi không nghĩ là có giới hạn về loại khối u có thể điều trị, miễn là hệ miễn dịch có thể xâm nhập vào đó”.