Thật hư thông tin chữa ung thư bằng vắc xin tự thân
Thưa TS. Phạm Nguyên Quý, gần đây xuất hiện các quảng cáo về vắc xin tự thân có tác dụng phòng chống nhiều loại ung thư. Vậy vắc xin tự thân là gì thưa tiến sĩ?
Từ trước đến nay, chúng ta thường nghe tiêm vắc xin (tiêm chủng) để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người già, những người có hệ miễn dịch yếu. Khái niệm vắc xin trong ung thư trước giờ cũng chỉ dừng lại ở các loại vắc xin phòng ngừa ung thư, như ngừa nhiễm HPV để giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung, hoặc ngừa nhiễm vi rút viêm gan B để giảm tỉ lệ mắc ung thư gan.
Tuy nhiên, những phát kiến gần đây về sự liên quan của hệ miễn dịch trong ung thư đã góp phần phát triển các phương thức điều trị mới nhằm kích thích hệ miễn dịch nhận biết và tấn công loại bỏ khối u.
Ngoài những dòng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như Pembrolizumab, Nivolumab,…mà hiệu quả đã được kiểm chứng và đưa vào sử dụng thực tế (được bảo hiểm chi trả ở nhiều nước đối với nhiều loại ung thư), nhiều nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu những phương pháp “đánh thức” hệ miễn dịch khác, mà vắc xin điều trị ung thư là một trong số đó.
Mấu chốt của thành công nằm ở việc giúp tế bào miễn dịch (như lực lượng Công An và Quân đội bảo vệ cơ thể) nhận dạng đúng tế bào ung thư là “kẻ xấu” để tấn công, và vắc xin điều trị được phát triển bằng cách trích ly các thành phần từ khối u (kháng nguyên) tiêm vào người với các chất hỗ trợ (tá dược) để kích thích phản ứng miễn dịch.
Một số nhóm nghiên cứu dùng kháng nguyên định sẵn, phổ biến ở loại ung thư đó (ví dụ, MAGE-3 và NY-ESO-1 trong ung thư phổi) để kích thích miễn dịch. Một số nhóm khác lại dùng thành phần khối u đến từ chính bệnh nhân, gọi chung là vắc xin tự thân.
Tiềm năng của vắc xin tự thân là gì?
Theo nguyên lý nói trên, vắc xin tự thân có tiềm năng “đánh thức” hệ miễn dịch của mỗi bệnh nhân, vì sử dụng khối u lấy ra từ chính người đó.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ngay cả trong cùng một bệnh nhân thì khối u ở mỗi vị trí (ví dụ: ung thư đại tràng, di căn tới gan và phổi) sẽ có đặc điểm khác nhau. Vì thế dùng khối u từ một nơi để làm vắc xin nhiều khi không giúp hệ miễn dịch nhận dạng và tấn công hết các vị trí u khác.
Ngoài ra, kích thước và cách bảo quản khối u sau mổ, trạng thái của hệ miễn dịch cũng rất quan trọng vì kết quả điều trị không chỉ phụ thuộc vào lượng và tính chất của vắc xin, mà còn tùy theo cách cơ thể mỗi người phản ứng với vắc xin đó. Chính vì còn nhiều điều chưa rõ và chưa thật sự tối ưu nên các nhà nghiên cứu vẫn đang ngày đêm nghiên cứu cải thiện.
Trên một số website về miễn dịch tự thân có ghi rằng phương pháp này đã có số liệu lâm sàng. Bác sĩ nghĩ thế nào về những ca bệnh được mô tả là đã cải thiện nhờ vắc xin này?
Chúng ta cần hiểu đúng khái niệm “số liệu lâm sàng” và “nghiên cứu lâm sàng”.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần có sử dụng trên người và ghi số liệu lại là đủ để gọi là bằng chứng lâm sàng, qua nghiên cứu lâm sàng. Vấn đề không hề đơn giản như vậy! Vì sự may mắn luôn có thể xảy ra, bản thân căn bệnh có thể không tái phát, không xấu đi nên cần phải thiết kế nghiên cứu kỹ lưỡng để đánh giá hiệu quả của điều trị là thật hay chỉ là do “ăn may”.
Thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled clinical trial - RCT) là những cách làm công phu, thường được sử dụng trong việc thẩm định mức độ hiệu nghiệm của một phương pháp điều trị, trên một nhóm bệnh nhân cụ thể. Khi đó sẽ phải có nhóm chứng (control group, điều trị theo cách thông thường) để so sánh với nhóm điều trị.
Ngoài ra các ca bệnh phải được chọn ngẫu nhiên (randomization) để các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả được phân bố đồng đều và nếu được thì “mù đôi” (double blind) tức là cả Bác sĩ lẫn Bệnh nhân đều không biết đang điều trị bằng phương pháp nào để giảm thiểu ảnh hưởng do tâm lý và/hoặc đối đãi khác biệt. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân cũng phải đủ lớn ở mỗi nhóm (vài trăm, vài nghìn) thì sự khác biệt giữa phương pháp mới và cũ mới được kiểm định với độ tin cậy cao, làm giới khoa học “tâm phục khẩu phục”.
Theo quan điểm này thì những phát ngôn trên các trang mạng môi giới chữa bệnh như “đã thử nghiệm trên vài chục hay vài trăm người, thấy tốt” là rất mù mờ và độ tin cậy không hề cao. Nhiều ca bệnh mà các trang này giới thiệu thật ra là có dùng kèm hóa trị, xạ trị, tức không loại trừ được khả năng cải thiện là nhờ các phương pháp chính thống sẵn có.
Ngoài ra, nhiều trường hợp thật ra là phát hiện sớm, đã qua phẫu thuật cắt bỏ (trị lành) và khả năng cao là sẽ không tái phát mà không cần điều trị đặc hiệu gì thêm. Vắc xin này cần chứng minh nó tốt hơn “để tự nhiên” theo cách nghiên cứu nghiêm ngặt nói trên.
Vậy bác sĩ tại Nhật Bản có khuyên bệnh nhân theo phương pháp này không thưa tiến sĩ?
Không. Bác sĩ ở đâu cũng vậy, chúng tôi đều cố gắng khuyên bệnh nhân theo phương pháp đã được khoa học chứng minh là tốt nhất (hoặc tốt hơn) với độ tin cậy cao nhất.
Người Việt Nam mình nhiều khi suy nghĩ cảm tính, chỉ “nghe nói tốt lắm” mà không cân nhắc xem thông tin đó tới từ đâu. Từ một bà hàng xóm, từ một Tiến sĩ ngoài ngành y sinh, từ một nhà sản xuất, thậm chí từ những Giáo sư Bác sĩ nhưng có quan hệ tài chính với sản phẩm,…đều không đủ độ tin cậy. Y giới thường sắp xếp độ tin cậy theo hình tháp từ thấp đến cao, theo đó nguồn thông tin có giá trị cao nhất là từ các Hiệp hội chuyên ngành, thấp nhất là kinh nghiệm cá nhân của các chuyên gia. Các nguồn như từ “bà hàng xóm” thì… khỏi xếp hạng (Ngoại hạng!).
Trở lại đề tài vắc xin tự thân, đúng là có nhóm nghiên cứu đã từng tiêm vaccine vào độ 20 bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm, đã qua phẫu thuật cắt bỏ trong một nghiên cứu giai đoạn 2 tại Trung Quốc. Báo cáo năm 2004 cho thấy so với việc theo dõi đơn thuần sau mổ (ở tầm 20 bệnh nhân khác), việc tiêm vắc xin sau mổ làm giảm tỉ lệ tái phát nhưng giới chuyên môn vẫn còn hoài nghi về sự chắc chắn của kết quả và yêu cầu thử nghiệm giai đoạn 3, trên nhiều bệnh nhân hơn. Đã qua 15 năm mà chưa thấy kết quả báo cáo, nên các Hiệp hội ung thư tại Nhật chưa tin là đương nhiên.
Trong các loại ung thư khác, số liệu cũng chưa rõ ràng và thuyết phục nên các bác sĩ sẽ khuyên KHÔNG NÊN tự trả tiền điều trị kiểu này, mà chỉ nên cân nhắc tham gia nếu có thử nghiệm lâm sàng bài bản ở các bệnh viện lớn. Như vậy, tôi không phủ định kết quả nghiên cứu về ung thư gan nói trên, mà chỉ nhấn mạnh rằng kết quả này CHƯA được kiểm chứng nên không đủ bằng chứng để khuyên bệnh nhân theo điều trị.
Xin nói thêm là ở Nhật Bản, “điều trị tốt” có nghĩa là “điều trị được bảo hiểm chi trả”. Đó là vì những điều trị đó đã có đầy đủ số liệu chứng minh hiệu quả thực sự trên nhóm bệnh nhân cụ thể (vượt qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng) và được chi trả bảo hiểm để nhiều bệnh nhân có thể chọn theo và có lợi ích lớn nhất.
Các bác sĩ ở Nhật thường chỉ khuyến khích bệnh nhân theo các điều trị nằm trong phạm vi bảo hiểm bởi chúng mang lại hiệu quả chắc chắn và cao nhất (dù không phải 100%, nhưng là cao nhất được biết tới) với chi phí mà bệnh nhân trả thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Người Nhật rất quan tâm tới tổn hao tài chính, và xem đó là “tác dụng phụ” cần cân nhắc của điều trị.
Thông tin trên mạng hiện nay tràn lan và khó đánh giá. Làm sao để phân biệt thật hư về việc chữa ung thư bằng phương pháp mới thưa tiến sĩ?
Như câu chuyện vắc xin tự thân ở trên, rất khó để người ngoài ngành phân biệt hư và thực. Đúng là chúng có thật và cũng đã được nghiên cứu lâm sàng ở một vài tình huống cụ thể (như ngăn tái phát ung thư gan sau mổ), nhưng số liệu ở tình huống cụ thể đó là chưa đủ độ tin cậy, và cũng không áp dụng ra các loại ung thư khác hay ở tình huống khác.
Các trang mạng vẫn loan truyền các thông tin như vắc xin “Chữa được rất nhiều loại ung thư, hoặc ngừa tái phát”, “Được chính phủ Nhật công nhận” hay “Được cấp phép đặc biệt để chữa cho người Việt Nam”… và nhiều bệnh nhân cũng hỏi chúng tôi về điều này. Đó là những thông tin không chính xác và cần hết sức thận trọng.
Vì các phương pháp điều trị này thường rất đắt đỏ (nhất là ra nước ngoài điều trị), bệnh nhân cần có tư vấn của bác sĩ điều trị và hỏi thêm ý kiến thứ hai từ những bác sĩ khác. Nhóm Facebook Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, thuộc Dự án tình nguyện Y học cộng đồng là một trong những địa chỉ mà bệnh nhân và người thân có thể hỏi online nhờ kiểm chứng thông tin về các liệu pháp mới.
Những bệnh nhân tìm đọc được tài liệu tiếng Anh thì nên vào các website chính thống của các Hiệp hội ung thư của Mỹ và Châu Âu, xem hướng dẫn điều trị có ghi phương pháp đó không, bảo hiểm ở nước ngoài có trả cho phương pháp đó không. Tôi nghĩ rằng đó là những việc cơ bản cần làm trước khi đầu tư số tiền lớn vào các phương pháp điều trị “được cho là tiềm năng”.
Xin cảm ơn Tiến sĩ rất nhiều.