Thương hiệu Việt khó hội nhập nếu còn yếu và thiếu liên kết
“Nhiều hạn chế đang làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt trên thị trường Việt Nam”. Nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.
Thương hiệu Việt còn mờ nhạt
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thương hiệu của Việt Nam có thể hội nhập, doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp phân phối cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân... trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.
Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, ông Nguyễn Thái Dũng cho biết, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam mặc dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn nhiều yếu điểm như chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt… Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, để có thể hội nhập thành công sẽ không có giải pháp nào có thể phù hợp với mọi doanh nghiệp, với mọi loại hình kinh doanh. Do đó, từng cá nhân, từng doanh nghiệp cần chiến lược và con đường đi của riêng mình. Trong đó, cần nhận thức rõ về hội nhập và cạnh tranh để tận dụng sự hội nhập để đem lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, đối với ngành bán lẻ Việt Nam, để sẵn sàng cạnh tranh và nhận diện các thách thức cần tiếp tục tăng trưởng và đảm bảo tính cạnh tranh từ thay đổi nhận thức và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại có hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng không hề dễ dàng và đơn giản …
“Qua học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận thấy, để thay đổi ngành bán lẻ, nhất thiết phải có chiến lược phát triển cho ngành dịch vụ này và cần tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo; tăng năng suất làm việc qua áp dụng công nghệ trong ngành phân phối và bán lẻ. Đồng thời, cần xây dựng một lực lượng lao động bán lẻ năng suất cao và sẵn sàng cho giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan đề xuất.
Đẩy mạnh kết nối với khối FDI
Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, nhằm tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài.
Vị này cho rằng, trên cơ sở Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giúp doanh nghiệp tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu trong và ngoài nước; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhu cầu hàng hóa và các hệ thống phân phối nước ngoài; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài.
Đặc biệt, cần thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu thương hiệu bán lẻ chính như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart đã tích cực tham gia Đề án để gia công hàng hóa thương hiệu của hệ thống bán lẻ, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ cùng thương hiệu trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào các nhóm chế biến ngành nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng”, bà Nga cho biết.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường trong và ngoài nước, trước hết cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phải loại bỏ được tư tưởng trông chờ, ỉ nại, đổ lỗi, chụp giật trong sản xuất, kinh doanh./.