Thuốc độc và đòn trừng phạt đẩy quan hệ Nga-Mỹ đi về đâu?
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Maryland (Mỹ), ông Ben Cardin hôm 8/4 đã kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, Syria.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ bang Maryland (Mỹ), ông Ben Cardin. Ảnh:Reuters. |
Thông báo này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 25 người Nga, trong đó có nhiều quan chức, nhà tài phiệt, cùng với 14 tổ chức. Đòn trừng phạt của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ xung quanh vụ cựu điệp viên Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc như đổ thêm dầu vào lửa khiến quan hệ giữa hai bên ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Chất độc hóa học tại Anh và Syria
Hiện tại, Mỹ và Nga đang chỉ trích lẫn nhau sau khi chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta khiến 49 người thiệt mạng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, ông Ben Cardin – một thành viên trong Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ cho biết, ông đồng tình với cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Nga, Iran phải chịu trách nhiệm cho việc hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar Al Assad liên quan đến các vụ tấn công bằng chất độc hóa học tại Syria.
“Chính phủ Syria dưới sự điều hành của Tổng thống Assad không thể tồn tại nếu không có sự ủng hộ của Nga và Iran. Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải hành động chống lại Nga và Iran vì những gì họ đang làm ở Syria. Chúng ta cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các vụ tấn công bằng chất độc hóa học này”, ông Ben Cardin nói.
Trước cáo buộc của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/4 ra tuyên bố nêu rõ: "Thông tin giả mạo về việc quân đội Syria sử dụng chất clo và những chất độc khác đang tiếp diễn. Lại thêm một lần nữa thông tin kiểu đó được dựng ra liên quan cuộc tấn công gọi là có chất hóa học ở thị trấn Douma". Theo Bộ này, những giả định “dối trá kiểu như trên” nhằm chuẩn bị cho khả năng sử dụng sức mạnh của nước ngoài tại Syria. Bộ Ngoại giao Nga cũng phủ nhận thông tin cho rằng chính quyền của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào lực lượng đối lập ở Đông Ghouta.
Căng thẳng mới bùng phát trong bối cảnh cuộc điều tra về vụ hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc hóa học được cho là “Novichok” chưa ngã ngũ. Mỹ, Anh và EU liên tục cáo buộc Nga đứng sau vụ việc còn Nga từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Kết quả là cuộc chiến ngoại giao giữa hai bên đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Để thể hiện sự đoàn kết với Anh trong vụ cựu điệp viên bị đầu độc, Mỹ không chỉ ra lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, mà còn áp đặt gói trừng phạt mới, trong đó bao gồm cấm vận các doanh nhân nổi tiếng cùng những nhân vật chủ chốt trong giới tinh hoa chính trị thuộc bộ máy quyền lực của Tổng thống Putin.
Đáp trả lại, Nga cũng ra lệnh trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao của Mỹ và phương Tây. Nga cho rằng chính Mỹ, Anh và EU đang dàn dựng vụ việc để lấy cớ đó phát động cuộc chiến tranh ngoại giao.
Quan hệ Nga-Mỹ đi về đâu?
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin. Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp này có khả năng diễn ra hay không, hoặc nếu diễn ra liệu có thể giúp hai bên “hạ nhiệt”, thu hẹp bất đồng quan điểm hay không.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, ngay cả khi cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra, với tình cảnh “ăn miếng trả miếng” như hiện nay, thì vẫn “còn quá nhiều vấn đề về hậu cần và cả những bất đồng rất lớn còn tồn tại giữa hai bên được cần được giải quyết”. Do vậy, quan hệ Nga và Mỹ khó có thể cải thiện trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ trong năm 2018.
Ông Guy Mettan, chủ nhiệm câu lạc bộ báo chí Thụy Sỹ nhận định, sự leo thang căng thẳng này không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh tâm lý chống Nga đang gia tăng trong giới chính trị Mỹ và phương Tây. Theo ông, Mỹ có thể dựa vào bất cứ lý do nào để tung đòn trừng phạt đối với Nga dù là chính đáng hay không, còn Nga sẽ tiếp tục chống cự và thông qua biện pháp đáp trả, cứ như vậy “trò chơi chính trị” này có thể tiếp diễn mà không có điểm dừng.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ xuống mức thấp trong thời gian gần đây và hố sâu ngăn cách dường như không thể lấp đầy liên quan đến cuộc tấn công bằng khí độc tại Syria, ném bom tại khu vực Donbass của Ukraine, hay đầu độc cựu điệp viên tại Anh. Vấn đề đặt ra là chưa một bên trung gian nào có thể ngăn chặn vòng xoáy này.
Ông Guy Mettan cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, việc trục xuất các nhà ngoại giao không được coi là công cụ gây hấn hoặc đáp trả giữa hai cường quốc. Tuy nhiên những diễn biến hiện nay có thể nguy hiểm hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh bởi căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã chuyển sang trừng phạt ngoại giao, khiến các kênh liên lạc và đối thoại giữa hai bên ngày càng thu hẹp - đây là điều mà trong lịch sử các chính phủ tiền nhiệm thường cố gắng né tránh./.