Mỹ khó mong chờ Nga “quỵ gối” vì các lệnh trừng phạt
Chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga vẫn đang tiếp tục được chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng nhằm gây tổn thương tối đa cho Moscow. Có thể mô tả lộ trình trừng phạt này giống như một con dốc trơn trượt và đã đến lúc phải xem xét lại những hậu quả khắc nghiệt mà nó gây ra cho Nga, cho các đồng minh của Mỹ và thậm chí là tác động ngược đến chính Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA. |
Trong một phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ diễn ra tuần qua, tranh luận đã nổ ra giữa Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy với các quan chức cao cấp trong chính quyền Trump chịu trách nhiệm “thiết kế” các biện pháp trừng phạt.
Ông Kennedy đề nghị những quan chức này cho biết họ sẽ làm gì nếu Tổng thống Trump yêu cầu họ hành động, buộc nền kinh tế Nga phải "quỳ gối". Kennedy không nhận được câu trả lời thẳng thắn cho câu hỏi này, thay vào đó, chỉ là những đánh giá cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại gây ra không ít khó khăn cho Nga.
“Nhưng nền kinh tế Nga không bị khuất phục”, Thượng Nghị sĩ Kennedy nhấn mạnh.
Sự thất vọng của ông Kennedy là điều hoàn toàn dễ hiểu. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt để phản ứng với những cáo buộc cho rằng Nga can thiệp gây bất ổn ở Ukraine, đứng sau vụ ám sát một cựu điệp viên hai mang ở Anh, thực hiện chuỗi các vụ tấn công mạng…
Bloomberg dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Sigal Mandelker cho biết, bà tin rằng “chủ nghĩa mạo hiểm” mà Nga theo đuổi đã thực sự phải trả giá vì “nỗi đau kinh tế” mà các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.
Tuy nhiên, nhận định này của bà Mandelker giống như một tuyên bố của đức tin hơn là thực tế. Không hề có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt đã có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc kế hoạch của Tổng thống Nga Putin.
Tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư
Rõ ràng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã gây ra không ít phiền toái cho Nga ở nhiều cấp độ. Cụ thể, bất chấp tăng trưởng của kinh tế Nga gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước này đã có dấu hiệu giảm; một số dự án năng lượng lớn đã phải lùi kế hoạch thực hiện ít nhất vài năm; nhiều công ty của các nhà tài phiệt nga cũng thiệt hại “hàng trăm triệu USD” chỉ riêng với các khoản đầu tư tại Mỹ (theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ gửi cho Quốc hội trong tháng 8/2018).
Bất kỳ bên nào cũng muốn những vấn đề như vậy được giải quyết. Tuy vậy, lập trường kiên định của Nga và việc thiếu vắng những bước đi cho thấy sự nhượng bộ của Tổng thống Putin có thể được hiểu như động thái khước từ lời đề nghị hòa giải. Nó cũng cho thấy rằng Điện Kremlin chưa sẵn lòng tạo cơ sở để đưa Mỹ quay trở lại quỹ đạo hợp tác. Điều đó tạo nên tâm lý muốn trả đũa và ngay cả khi bộ máy của Trump không muốn điều đó thì các nhà lập pháp Mỹ vẫn sẽ làm.
Thượng Nghị sĩ Kennedy không phải là người duy nhất muốn thử tiếp tục "ra đòn" với Nga. Một số Nghị sĩ khác đã soạn thảo dự luật đánh vào các khoản đầu tư, các dự án năng lượng, trái phiếu Chính phủ Nga và các giao dịch trong lĩnh vực công nghệ cao. Tất cả những điều này cùng với lời đe dọa trừng phạt các công ty châu Âu tham gia vào dự án Nord Stream 2 – một đường ống dẫn khí đốt Nga đang xây dựng để kết nối với Đức là những mức độ trừng phạt đáng kể mà Washington có thể làm trong bối cảnh hiện nay.
Trong kịch bản được đánh giá là cực đoan nhất, Mỹ có thể áp đặt cùng một loại cấm vận Nga như áp dụng với Iran. Điều này sẽ khiến bất kỳ công ty nào có quan hệ với Mỹ sẽ không thể giao dịch với Nga. Nó kéo theo việc cắt đứt toàn bộ mối liên hệ của các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính bằng đồng USD và trừng phạt những khách hàng mua dầu, khí đốt của quốc gia này.
Mặc dù vậy, ngay cả những quan chức Mỹ có tư tưởng “diều hâu” nhất cũng sẵn sàng xem xét lại phần trừng phạt dầu khí trong lựa chọn nêu trên. Nga là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới và sản xuất dầu thô nhiều gấp 3 lần Iran. Loại bỏ Nga khỏi thị trường sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Xử phạt nhằm vào toàn bộ 486 tỷ USD nợ nước ngoài của Nga cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư, bao gồm cả các công ty lớn có trụ sở tại Mỹ.
Các dự luật được giới thiệu ở Thượng viện Mỹ dường như chỉ muốn càng mạnh tay với Nga càng tốt mà quên đi điều hết sức quan trọng là hệ lụy không mong muốn có thể phát sinh.
Khi Mỹ bắt đầu xem xét về một cuộc chiến kinh tế toàn diện, hai câu hỏi chiến lược mà Washington cần phải trả lời. Đó là Mỹ sẽ phải trả giá ra sao để có thể nhận được nhượng bộ từ phía Nga và thời gian để đạt được điều này là bao lâu?
Về kinh tế vĩ mô, Nga đang ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, lạm phát khiêm tốn và dự trữ quốc tế đạt 400 tỷ USD. Những yếu tố này khiến khó xảy ra kịch bản kinh tế Nga sụp đổ trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Nếu Mỹ ra đòn không ở mức độ có thể gây thiệt hại tối đa thì Nga có thể kiểm soát được tình hình trong nhiều năm với mức tăng trưởng tương đối thấp. Đây là cơ sở cho các tính toán của ông Putin. Điều này đi ngược hoàn toàn với các chính sách của Mỹ. Nếu Mỹ tính toán để gây ra những tổn thương lớn nhất có thể nhằm vào Nga mà Moscow không hề hấn cũng chẳng có thay đổi gì. Đó sẽ là một thất bại đau đớn đối với Mỹ./.