Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP từ chuyển đổi số
Cập nhật sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử giúp các HTX Nông nghiệp giảm chi phí từ nhiều khâu trung gian và tăngnhanhdoanh thu tiêu thụ. |
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, việc đưa các sản phẩm chè lên sàn thương mại điện tử đã được Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, TP Thái Nguyên quan tâm chú trọng. Vì vậy, doanh thu của đơn vị vẫn đạt so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ocop của hợp tác xã đã được đưa lên sàn postmart.vn và voso.vn.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi cũng thấy sự phát triển của việc tiêu thụ trên thị trường và nhận thức của bà con cũng thay đổi. Doanh thu tăng lên so với trước kia nhiều”.
Việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để các hộ thành viên sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, Hợp tác xã Miến dong Việt Cường ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã nỗ lực đưa các sản phẩm của đơn vị lên sàn thương mại quốc tế để có thể tiếp cận được khách hàng nhiều hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Việt Cường, huyện Đồng Hỷ cho rằng: “Sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử thì doanh thu tiêu thụ tăng lên rất nhiều, cắt giảm được nhiều khâu trung gian nữa”.
Hiện toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn, sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyentrade.gov.vn). Nhiều nông sản như chè, miến, mật ong, gạo, mỳ gạo đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến.
Việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chương trình OCOP, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, diễn ra còn chậm và còn gặp không ít khó khăn.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Khó khăn nhất đối với các hợp tác xã là nhận thức và trình độ công nghệ thông tin khác nhau. Khi lên sàn họ thiếu nguồn nhân lực tiếp cận các đơn hàng”.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và Liên minh hợp tác xã tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các đơn vị sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, nhằm góp phần phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức. Trong đó, tập trung cho nâng cao số lượng các hợp tác xã lên các sàn thương mại điện tử”.
Trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, là đầu mối liên kết, dẫn dắt nông dân để tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp là vấn đề mới, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên môn, đòi hỏi sự chuyển đổi trong tư duy, nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của hợp tác xã.