Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Israel
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân hôm nay (20/3) bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Chuyến thăm sẽ đánh dấu một chặng đường hợp tác mới, đặc biệt về kinh tế - thương mại giữa Việt nam và Israel.
Tổng thống Israel Reuven Rivlin. |
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, Việt Nam và Nhà nước Israel đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị, Việt Nam và Israel đã trao dổi nhiều đoàncác cấp, trong đó chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Israel Shimon Peres năm 2011.
Một điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Israel, đó là kinh tế -thương mại. Nếu như năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Israel đạt khoảng 68 triệu USD, thì đến năm 2014 đạt 1 tỷ USD và năm 2016 đạt 1,237 tỷ USD.
Là nước công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, Israel hiện đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel, tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương ngày càng phát triển.
Đến tháng 1/2017, Israel có 25 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 46,5 triệu USD, xếp thứ 56/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Israel cũng cam kết cung cấp gói tín dụng 250 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới. Những con số này phản ánh hiệu quả hợp tác thực chất Việt Nam – Israel với mục tiêu mang lại lợi ích cho hai quốc gia.
Công nghệ cao và nông nghiệp cũng là một điểm nhấn hợp tác khác giữa Việt Nam và Israel. Dù không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng Israel luôn nằm trong top các quốc gia hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Với GDP trung bình gần 40.000 USD/năm, Israel được mệnh danh là đất nước của ý chí khởi nghiệpvà nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với những thế mạnh ấy, Israel đã giúp đào tạo 2130 tu nghiệp sinh Việt Nam; cùng hợp tác với Việt Nam trong khoa học, công nghệ và nông nghiệp. Rất nhiều dự án đã được triển khai giữa hai nước, đem lại hiệu quả thiết thực, như dự án Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với 1 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Israel; hay nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong câu chuyện với báo chí Việt nam mới đây, Đại sứ Israel tại Việt Nam - bà Meirav Eilon Shahar khẳng định rằng “Việt nam và Israel là bạn. Và khi bạn bè cần chúng tôi, chúng tôi sẽ hết lòng giúp đỡ”.
Trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Israel Reuven Rivlin nhấn mạnh: cách đây 7 thập kỷ, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben Gurion đã có cuộc gặp gỡ tại Paris (Pháp), từ đó tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ gần gũi giữa nhân dân Việt Nam và Israel sau này.
Theo Tổng thống Reuven Rivlin, trên nền tảng sẵn có, quan hệ hợp tác Israel - Việt Nam đang ngày càng phát triển tốt đẹp và hai nước sẽ tiến tới kỷ niệm 25 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Và trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này, dự kiến, sẽ có 50 doanh nghiệp hàng đầu Israel tháp tùng Tổng thống Reuven Rivlin nhằm tìm kiếm những cơ hội mới đầu tư vào thị trường Việt nam. Những doanh nghiệp này sẽ là những cầu nối mới về kinh tế - thương mại giúp quan hệ Việt Nam-Israel phát triển.
Chuyến thăm Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân hôm nay sẽ củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam-Israel, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Qua đó, tạo tiền đề hợp tác mới giữa hai quốc gia Việt Nam-Israel trong tương lai./.
Trong những năm qua, hai bên đã ký nhiều Hiệp định, Thỏa thuận và các cơ chế hợp tác như: Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại (năm 1996); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế đối với thuế thu nhập và tài sản; Bản Ghi nhớ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (năm 2009); Nghị định thư thành lập Uỷ ban liên Chính phủ (năm 2013); Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2015)…/.