Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng nhưng chỉ muốn hòa hiếu, hợp tác
Lẽ thường, Tết đến xuân về cũng là dịp để người ta chiêm nghiệm về những thứ đã qua trong năm cũ, mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. “Thời đại chúng ta đang sống là thời đại Hồ Chí Minh. Với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc thì cuộc sống của chúng ta chỉ là một cái chớp mắt thôi. Nhưng cái chớp mắt được sống trong thời đại Hồ Chí Minh chính là niềm tự hào của người dân Việt Nam hôm nay”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bắt đầu cuộc trò chuyện...
Vị thế chưa từng có của đất nước
Cả năm Kỷ Hợi 2019 lẫn năm Canh Tý 2020 này, dân tộc ta hòa chung trong bầu không khí hào hùng và xúc động với những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, như: 90 năm Ngày thành lập Đảng, 75 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam… Những mốc son ấy đều gắn liền với thời đại Hồ Chí Minh. “Thời đại Hồ Chí Minh không tách biệt mà kế thừa tất cả những ưu việt trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Lịch sử ấy có lúc rất vẻ vang nhưng cũng có lúc vô cùng đau thương. Thời đại Hồ Chí Minh là điểm hội tụ của lịch sử dân tộc. Chưa bao giờ đất nước chúng ta có được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ như bây giờ. Chưa bao giờ người dân chúng ta có động lực để lao động và hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp như bây giờ. Cũng chưa bao giờ đất nước chúng ta có được vị thế đối với các nước lân bang và cộng đồng quốc tế như hiện nay. Từ một quốc gia, dân tộc ít được biết đến, Việt Nam đã tạo được dấu ấn lớn trong thời đại Hồ Chí Minh”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Quân đội ta cũng chưa bao giờ có được sự phát triển như hiện nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Bác Hồ sáng lập, QĐND Việt Nam “được dân mến, được dân tin muôn phần”, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới. Quân đội ta vững mạnh, tự tin, có cách xử lý trong mọi tình huống để có thể bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ ổn định chính trị-xã hội; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, đồng thời bảo vệ cho được nền hòa bình bền vững của đất nước. Cộng đồng quốc tế nể phục QĐND Việt Nam không chỉ vì từng đánh thắng các đế quốc sừng sỏ trong quá khứ mà theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, còn bởi vì bước ra từ những cuộc chiến tranh ấy, Quân đội ta có thể nói là “khét mùi khói súng”, song chỉ muốn hòa hiếu, hợp tác và thực sự đã trở thành một cái tên mà mọi quốc gia phải nể trọng, mến mộ và mong muốn hợp tác.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thăm và kiểm tra công tác huấn luyện của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 tại Việt Nam. Ảnh: MỸ HẠNH |
“Đội quân” gần 100 triệu người
Cho dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng Quân đội ta trong thời bình có thêm những nhiệm vụ mới chưa từng có trước đây. Điều đó thể hiện rõ trong mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia-dân tộc cả trong và ngoài lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Với mục tiêu ấy, một mặt quân đội phải luôn chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng trong trường hợp xảy ra chiến tranh. “Chúng ta có toàn dân đánh giặc, toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc. Quân đội ta có sức mạnh vô hình không chỉ với số quân như hiện có mà của gần 100 triệu người dân. Chúng ta có lực lượng bảo vệ Tổ quốc gần 100 triệu người. Với một đội quân như thế thì không kẻ xâm lược nào có thể chiến thắng”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Mặt khác, quân đội phải bảo vệ được hòa bình. Nền hòa bình được quân đội bảo vệ thì bền vững hơn rất nhiều. Hòa bình tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển đất nước. Đất nước phát triển thì quân đội càng vững mạnh, từ đó càng bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì lẽ đó, Quân đội ta luôn tỉnh táo trong việc phải lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, luôn hòa hiếu, khéo léo để sao không phải đánh và một khi buộc phải đánh thì nhất định phải thắng. “Ví dụ, trong vấn đề Biển Đông, chúng ta vừa phải bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ được hòa bình. Với chiến lược quốc phòng như vậy, chúng ta giảm nguy cơ đất nước bị xâm phạm đi rất nhiều. Đó chính là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Đóng góp thực chất cho hòa bình, an ninh thế giới
Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, điều quan trọng vẫn phải là xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Thời chiến, chúng ta xem chiến thắng trên chiến trường sẽ dẫn đến thắng lợi trên bàn hội nghị. Thời bình, điều đó cũng có nghĩa mạnh về thực lực thì sẽ thắng lợi trên bàn hội nghị và thành công trong bảo vệ hòa bình. Bác Hồ từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”, thể hiện quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, nếu quân đội có thực lực mạnh mà chỉ giới hạn ở nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, có nghĩa là chúng ta bỏ qua nguồn lực rất lớn của đối ngoại quốc phòng để thúc đẩy quan hệ với các nước, tạo dựng môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước.
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước như vậy, đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã được đẩy mạnh cả ở cấp độ song phương lẫn đa phương. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đối ngoại quốc phòng Việt Nam hiện có những điểm mới.
Trước hết là gắn kết chặt chẽ hòa bình, lợi ích quốc gia-dân tộc với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. “Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế hay không?”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đặt vấn đề. Câu trả lời là cần và không thể thiếu. Sự ủng hộ ở đây là ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam, ủng hộ sự phát triển của Việt Nam gắn với xu thế hòa bình và phát triển của thế giới. Muốn có được sự ủng hộ ấy, Việt Nam phải tạo dựng được lòng tin thông qua lời nói đi đôi với hành động một cách thực chất, mà theo như lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, là “đóng góp bằng mồ hôi nước mắt, đồng tiền bát gạo”. Tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) chính là một hành động đóng góp thực chất cho hòa bình, an ninh thế giới.
Không chỉ trên bình diện đa phương, hoạt động GGHB LHQ còn là động lực thúc đẩy các quan hệ quốc phòng song phương. Sở dĩ nói như vậy là bởi trong các quan hệ quốc phòng song phương, nhiều khi vẫn còn những nội dung hợp tác mang tính “nhạy cảm” nên khó đi vào thực chất. Riêng đối với hoạt động GGHB LHQ, các nước đều sẵn sàng hợp tác ở mức cao nhất vì hòa bình của thế giới. “Khi đã hành động thực chất như vậy, chúng ta còn phải thể hiện rõ bản sắc Việt Nam, thậm chí nếu được thì còn phải thể hiện sự vượt trội. Đây là nhiệm vụ nặng nề đặt ra đối với các sĩ quan QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Không phụ sự kỳ vọng ấy, các sĩ quan QĐND Việt Nam mang trên đầu những chiếc mũ nồi xanh của hòa bình đã tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Dòng máu Lạc Hồng, truyền thống mấy nghìn năm văn hiến luôn chảy trong tất cả mọi con tim, khối óc của những người lính “vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa”, “đi dân nhớ, ở dân thương”. Những bức thư khen ngợi, thư cảm ơn, huy chương mà LHQ và bạn bè quốc tế trao tặng cho những “cánh chim hòa bình” được Việt Nam gửi tới Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi chính là sự ghi nhận của LHQ và cộng đồng quốc tế đối với kết quả tham gia các hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam trong nửa thập niên qua.
Bức tranh ASEAN 2020
Trong bối cảnh hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, đối ngoại quốc phòng với tư cách là bộ phận quan trọng của nền ngoại giao Nhà nước Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đây chính là điểm mới thứ hai của đối ngoại quốc phòng Việt Nam hiện nay. Các sáng kiến của Việt Nam trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc nhưng đồng thời cũng là lợi ích chung của khu vực và thế giới, như: Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) hay xây dựng “lòng tin chiến lược” là dẫn chứng cụ thể cho tính “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương” ấy.
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương” không có nghĩa là Việt Nam muốn giữ vai trò lãnh đạo. Chúng ta luôn đặt mình ở vị trí là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, bức tranh ASEAN 2020 là bức tranh chung của tất cả các nước tham gia. “Bộ Quốc phòng Việt Nam đóng vai trò tổ chức, hỗ trợ và ủng hộ tất cả các sáng kiến tốt đẹp, dù là tại ADMM hay ADMM+, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, tuân thủ luật pháp quốc tế, để tất cả các nước tham dự đều có lợi ích. Bộ Quốc phòng Việt Nam không áp đặt, không tự đưa ra chương trình nghị sự. Chương trình nghị sự dựa trên cơ sở tham vấn nguyện vọng của tất cả các bên liên quan”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định./.