Thúc đẩy hợp tác phát triển khoa học công nghệ giữa tỉnh và Đại học Thái Nguyên
Đề tài “Xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai từ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” thu được kết quả cao. |
Đề tài “Xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai từ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Đại học Thái Nguyên chủ trì. Đề tài được thực hiện từ tháng 3/2018 đến đến tháng 10/2021. Đề tài đã xây dựng được bộ bản đồ và cơ sở dữ liệu cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét và xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là phần mềm công nghệ cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là kết quả mang tính ứng dụng cao, làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo ổn định, bền vững.
PGS.TS Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên - Chủ nhiệm Đề tài cho biết: "Nếu đưa công nghệ này ứng dụng thì chúng tôi cho rằng cũng sẽ giúp cho việc quy hoạch các vị trí, xây dựng các khu dân cư để tránh khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội và con người".
“Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên” được Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện với mục tiêu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đưa du lịch Thái Nguyên phát triển theo hướng hiện đại, góp phần bảo tồn và giữ gìn văn hoá dân tộc, lan toả giá trị văn hoá phi vật thể, lịch sử quê hương. Thực tế, kết quả nghiên cứu của đề tài đã tạo ra kênh liên kết thông tin du lịch giữa du khách, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đưa du lịch Thái Nguyên phát triển theo hướng hiện đại. |
Thạc sĩ Vũ Thành Vinh - Thư ký đề tài cho biết: "Đề tài được triển khai đã đem lại ý nghĩa rất lớn trong phát triển du lịch của tỉnh, qua đó sẽ giúp du khách có được những thông tin đầy đủ và hệ thống du lịch thông minh cũng hỗ trợ hướng dẫn du khách trong các hoạt động về lập lộ trình du lịch, hướng dẫn gợi ý các điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên".
Với tổng kinh phí thực hiện chương trình hợp tác đạt hơn 197 tỷ đồng, 127 nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai trên 7 lĩnh vực hợp tác; 06 nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm đặt hàng. Đến nay, kết quả của các nhiệm vụ đã được giao cho các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng như: hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến; Giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở, lũ quét; Sản phẩm bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2017-2022 đã phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị truyền thống về văn hóa lịch sử, phát huy tiềm lưc về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên - 1 trong 3 đại học vùng của cả nước.
Nghiên cứu bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid 19. |
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên cho biết: "UBND tỉnh sẽ có 1 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh và ĐH Thái Nguyên đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, phát huy tiềm năng của ĐH Thái Nguyên là Đại học vùng tập trung nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn trong xã hội. Để ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ nghiên cứu trong Trường Đại học để phổ biến, đưa ra thực tiễn sản xuất thúc đẩy phát triển khoa công nghệ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới".
Tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển khoa học công nghệ theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự tạo ra đột phá về chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.