Chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục nghề nghiệp
Tiết học thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề số 1, Bộ Quốc phòng |
Một tiết học tại Trường Cao đẳng Nghề số 1, Bộ Quốc phòng... chương trình đào tạo được thiết kế linh hoạt, 70% thời lượng tập trung vào thực hành. Nhờ đó học viên không chỉ lĩnh hội được kiến thức mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp từ sớm.
Học viên Triệu Văn Hưng, Trường Cao đẳng Nghề số 1, Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Thực hành nhiều hơn sẽ sát với thực tế hơn. Đầu năm thứ hai bọn em sẽ được đi thực thành thực tế ở các doanh nghiệp và các công ty lớn".
Hiệu quả từ chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo. Tháng 11 vừa qua, tại Hàn Quốc, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Neuromeka, triển khai xây dựng Trung tâm Robot và Tự động hóa. Với vốn đầu tư ban đầu dự kiến 5 triệu USD, trung tâm này không chỉ mang lại cơ sở vật chất tiên tiến mà còn mở ra cơ hội học tập và nghiên cứu công nghệ cao cho học viên của trường.
Đại tá Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 1, Bộ Quốc phòng cho biết: "Nhà trường đang muốn thành lập một Trung tâm robot tự động hóa và mở thêm một mã ngành kỹ thuật tự động điều khiển. Để làm được việc này cần kinh phí rất là lớn, chúng tôi phải tìm đến các đối tác nước ngoài để người ta hỗ trợ, giúp đỡ mình trong quá trình thực hiện theo các lộ trình. Chúng tôi đã bàn bạc, hội thảo hoạch định thì cố gắng đến giữa năm 2026 đề án này hoàn thành".
Tháng 11 vừa qua, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Neuromeka (Hàn Quốc) triển khai xây dựng Trung tâm Robot và Tự động hóa. |
Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Thái Nguyên, Học viên không chỉ học cách cắt may truyền thống mà còn sử dụng phần mềm để tạo ra các sản phẩm mô phỏng thực tế. |
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, tỉ lệ người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%. Nhiều em còn được các doanh nghiệp ký hợp đồng ngay trong thời gian thực tập, nhờ sự thành thạo kỹ năng và khả năng làm việc với công nghệ mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng tạo ra sức hút đối với các chương trình đào tạo nghề. Tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Thái Nguyên, những tiết học nghề may đã hoàn toàn thay đổi với sự hỗ trợ của phần mềm thiết kế hiện đại. Học viên không chỉ học cách cắt may truyền thống mà còn sử dụng phần mềm để tạo ra các sản phẩm mô phỏng thực tế.
Học viên Bùi Thị Ngọc Lan, Lớp Trung cấp may, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng em được thiết kế chung trên máy tính qua các ứng dụng và được lắp ghép sơ đồ ở trên đấy, sau cùng là in dập ra khuôn vải. Em cảm thấy dễ dàng hơn khi mình làm bình thường".
Sự chuyển mình của hai trường chỉ là một phần trong bức tranh lớn về giáo dục nghề nghiệp tại Thái Nguyên. Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ UBND tỉnh và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, đầu tư trang thiết bị hiện đại, và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Kết quả này giúp Thái Nguyên nằm trong top các tỉnh có tỷ lệ học viên, sinh viên nghề ra trường có việc làm cao nhất cả nước. Các mô hình đào tạo gắn với chuyển đổi số không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các ngành công nghệ cao như cơ khí, tự động hóa, và may mặc mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Ông Trần Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cho biết: "Sinh viên ngày càng được tiếp cận với công nghệ thông tin thì rất là quan trọng bởi vì ngoài việc các em học tập trên lớp thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng như là những cái phương tiện hỗ trợ các em như điện thoại, máy tính thì các em đều có thể tự tìm kiếm được các nguồn học liệu trên trên internet, trên thư viện điện tử của nhà trường để các em bổ sung thêm kiến thức và tự rèn luyện thêm kỹ năng cho mình".
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa giúp Thái Nguyên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0. Với sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị, trong đó có các trường nghề, doanh nghiệp, Thái Nguyên đang dần trở thành điểm sáng trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp trên cả nước./.