Thủ tướng: Tại sao Sóc Trăng không phấn đấu như Bạc Liêu, Cà Mau?
Sáng 23/4, tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, là địa phương có sản lượng lúa lớn của vùng với trên 2 triệu tấn năm 2016. Nhưng nhìn chung Sóc Trăng vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn hơn 15% và phấn đấu năm nay giảm từ 2-3%. Năm ngoái, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 5,22%, không đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc |
Quý 1 năm nay, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm do một số loại cây trồng chính là hành tím bị thiệt hại 1.000 ha do mưa lớn, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi khó khăn. Đây cũng là áp lực đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7-7,5% trong năm nay của tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển, Sóc Trăng đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Đối với nông nghiệp, trước tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn khiến sản lượng lúa bấp bênh, Sóc Trăng đang chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực.
Cùng với đó, tỉnh phát triển mạnh đàn bò, cả bò sữa và bò thịt, hiện đã có trên 44.200 con. Năm ngoái, riêng tôm xuất khẩu giúp Sóc Trăng thu về 630 triệu USD, nên tỉnh chú trọng phát triển con tôm.
Năm 2016, Sóc Trăng có 49.000 lao động làm ăn xa ngoài tỉnh, lý do là địa phương thiếu việc làm. Do đó tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nhất là đầu tư vào lĩnh vực da giày, dệt may.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Sóc Trăng là một trong ba tỉnh khó khăn nhất vùng ĐBSCL.
Việc Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp làm việc với tỉnh lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua cũng là để lắng nghe và xử lý kiến nghị của tỉnh, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới Sóc Trăng và giúp Sóc Trăng sớm phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền tỉnh có tinh thần đoàn kết, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, công khai, minh bạch, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặt biệt là đã xác định một hướng ra có cơ sở khoa học để phát triển kinh tế xã hội của Sóc Trăng thời gian tới.
Tỉnh cũng đã quyết liệt để thực hiện các chủ trương lớn của Đảng vào địa phương; chỉ đạo thực hiện tốt vấn đề quốc phòng, an ninh, đoàn kết dân tộc và xóa đói giảm nghèo.
Trong bối cảnh khó khăn, tỉnh vẫn có 29/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn bình quân khu vực ĐBSCL và cả nước.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, thì cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch còn chậm, nông nghiệp còn chiếm trên 40% GDP của địa phương. Lao động nông nghiệp vẫn chiếm chiếm 70% khiến thu nhập bình quân đầu người thấp, thu ngân sách cũng thấp.
Tỉnh cũng chịu sự đe dọa của biến đổi khí hậu, nên Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần lưu ý điều này trong quá trình phát triển. Đối với việc phát triển doanh nghiệp của tỉnh, Sóc Trăng cần cải thiện số doanh nghiệp, nhất là với tỉnh, 560 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi bình quân cả nước là 140 người dân/doanh nghiệp.
Cùng với đó là kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu. Tỉnh tuy có tiến bộ về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có thứ hạng thấp, 40/63 tỉnh thành.
Sóc Trăng có thế mạnh du lịch, nhưng chất lượng nhân lực còn yếu. Nếu nút thắt này không sớm giải quyết tốt sẽ khó thu hút đầu tư. Tỉnh còn có tỷ lệ nghèo và cận nghèo còn cao, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Do đó, tỉnh phải coi xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Gợi ý giải pháp phát triển Sóc Trăng thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: “Chúng ta phải giải quyết bài toán tổng thể của ĐBSCL, phải sơ kết những chủ trương của Đảng và Chính phủ để có sự tính toán toàn diện. Nhưng trong khi giải quyết bài toán tổng thể, chúng ta phải giải quyết bài toán cá thể để tìm ra lợi thế so sánh trong khi nguồn lực quá hạn hẹp. Cần phát huy sự năng động, sáng tạo, điều kiện của từng địa phương ĐBSCL, nhất là những địa phương có chỉ số phát triển thấp”.
Thủ tướng cho rằng, Sóc Trăng có nhiều lợi thế và cần tận dụng các lợi thế đó để phát triển. Theo Thủ tướng, trước hết là tiếp tục giữ vững an ninh lương thực nhưng tập trung vào lúa cao sản. Và đi liền đó là phát triển những loại trái cây lợi thế của Sóc Trăng. 1ha bưởi da xanh và cam sành thì gấp 10 lần 1ha trồng lúa. Có phải đây là suy nghĩ mà chúng ta cần phải nhân rộng mô hình ra không? Cái này chưa phổ biến ở Sóc Trăng, mới bước đầu. Chúng ta phải đi hướng này. Hay các đồng chí nói nuôi bò sữa, tôi rất bất ngờ ở đây trên 10.000 con bò sữa. Những trại bò nổi tiếng ở Bình Thuận cũng chỉ trên 4.000 con thôi chứ không phải nhiều. Nếu đây sản lượng hàng hóa lớn thì sao? Thế giới tổng kết thịt bò không bao giờ thừa”.
Thủ tướng thăm nhà máy chế biến lương thực Thành Tín |
Cho rằng quy mô nuôi tôm của tỉnh còn thấp, trong khi con tôm mang lại giá trị kinh tế cao, Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao Sóc Trăng chỉ có 69.000 ha nuôi tôm, tại sao tỉnh không phấn đấu như Bạc Liêu và Cà Mau để trở thành một trung tâm sản xuất tôm của ĐBSCL?
Gợi ý hướng đi này, Thủ tướng mong muốn Sóc Trăng phát triển nuôi và chế biến tôm, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD của cả nước vào năm 2020.
Thủ tướng cũng đánh giá cao tỉnh đưa ra hướng đi là phát triển du lịch dịch vụ gắn với phát triển đô thị là cần thiết.
Cùng với đó Sóc Trăng cần phát huy các giá trị, lễ hội văn hóa đặc sắc ở địa phương, phát huy lợi thế có cảng đưa khách du lịch ra Côn Đảo để mang lại giá trị du lịch và dịch vụ cao.
Đối với phát triển công nghiệp, Thủ tướng cũng đồng ý với tỉnh phát triển mạnh công nghiệp để giải quyết việc làm, cùng với đó là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo dựa vào lợi thế tự nhiên của tỉnh là điện gió.
Trong năm 2017, Sóc Trăng thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp vào tỉnh; thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp xử lý các kiến nghị của Sóc Trăng về vấn đề điều chỉnh bổ sung, mở rộng, đưa ra khỏi quy hoạch một số khu công nghiệp; phát triển hạ tầng cơ sở ở địa phương, trong đó có vấn đề bổ sung quy hoạch hạ tầng cảng biển…
Nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm dây truyền kho trữ, công nghệ sấy và tiêu thụ gạo tại Nhà máy Chế biến lương thực Thành Tín, TP.Sóc Trăng./.