Thu hút FDI năm 2017: Viễn cảnh tươi sáng
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 vào Việt Nam có thể sẽ tăng bất chấp kinh tế trên thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức.
Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài (Ảnh minh họa: KT) |
Luồng vốn FDI của Việt Nam khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng phát triển kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
Vốn đăng ký và thực hiện tăng khoảng 10 - 12%
Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư FDI với chính sách mở cửa và những hiệp định thương mại đã và đang ký với các đối tác.
Nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp FDI liên tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.
Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - dự báo, với những tín hiệu tích cực của năm vừa qua, năm 2017, việc thu hút FDI sẽ vẫn tăng trưởng tốt, với số vốn đăng ký và vốn thực hiện sẽ tăng khoảng 10 - 12% so với năm trước.
Ông Nguyễn Mại cho rằng, không nên thu hút quá nhiều vốn FDI mà các cơ quan chức năng nên tính toán ở mức độ vừa phải. Theo GS. Mại, nguồn vốn FDI đăng ký chỉ nên chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Mức độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện chỉ nên duy trì ở ngưỡng khoảng 10 - 12%/năm.
Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, khu vực châu Á vẫn sẽ là nguồn vốn chính dù nguồn vốn từ Mỹ và khu vực châu Âu có gia tăng. Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều hơn trong những năm tới.
Đón đầu xu hướng mới
Một xu hướng mới gần đây đã xuất hiện khi các doanh nghiệp FDI bắt đầu thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng lực lượng kỹ sư dồi dào tại chỗ. Đây là xu hướng rất đáng mừng khi giá trị gia tăng ngày càng được nâng cao tại Việt Nam để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững. Thay vào đó, Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình (ví dụ như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin…) và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững.
Theo đánh giá của PwC, nền kinh tế Việt Nam đang thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. “Lực hút” lúc này là sự hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân có mức thu nhập đang tăng cao, kết hợp với sự nới lỏng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp ở một số ngành nghề.
Một khảo sát khác do ngân hàng United Overseas Bank của Singapore thực hiện mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những nơi hấp dẫn đầu tư nhất ở châu Á. Những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhất ở Việt Nam là ngành sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
“Đặt cược” vào tài năng trẻ khởi nghiệp
Theo Reuters, sức bật của tài năng trẻ Việt Nam chính là yếu tố thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ.
Hãng tin Reuters cho hay, sau thành công của Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird gây “sốt” thị trường game quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài.
Trào lưu khởi nghiệp công nghệ hiện đang bùng nổ tại Việt Nam, trong đó yếu tố tài năng công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ đã giúp tạo ra một sự hấp dẫn rót vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn với các quỹ đầu tư nước ngoài. Nhiều dòng vốn ngoại đang đặt cược vào chất xám của trí thức trẻ Việt Nam, vốn được kỳ vọng sẽ thành công hơn nữa.
Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity của Anh và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs của Mỹ đã đầu tư vào dịch vụ ví điện tử MoMo với số vốn lên đến 28 triệu USD. Trong khi đó, Quỹ đầu tư 500 Startups có trụ sở ở Thung lũng Silicon (Mỹ) cũng công bố dành 10 triệu USD cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.
Một trong số những khoản đầu tư của 500 Startups có thể kể đến dịch vụ marketing tự động mang tên Beeketing, được tạo dựng bởi chàng trai 26 tuổi Trương Mạnh Quân. Theo dự báo của Quân, Beeketing có thể đạt doanh thu khoảng 2 triệu USD trong năm nay, với lượng khách hàng chủ yếu là tại Mỹ.
Ngoài ra, các hãng công nghệ toàn cầu khác vốn từ lâu đã có nhà máy tại Việt Nam như LG, Panasonic và Toshiba cũng đã bắt đầu mở rộng các đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển.
Giới phân tích cho rằng, một yếu tố cực kỳ quan trọng để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài đó chính là nhóm người dùng am tường công nghệ của Việt Nam có độ tuổi khá trẻ, trung bình là 30 tuổi.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2016, Việt Nam đã thu hút được tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 24,4 tỷ USD. Vốn thực hiện cũng tăng 9% so với năm 2015. Trong năm qua, tổng số doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư vượt xa con số kỳ vọng./.