Thông tư 22: Giáo viên tiếp tục gặp khó khi nhận xét học sinh
Cuối tháng 9/2016, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện thay Thông tư 30.
Thông tư 22 có điểm mới, khắc phục những bất cập ở Thông tư 30 như giáo viên không phải ghi nhận xét học sinh hàng ngày. Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán.
Thông tư 22 chính thức được áp dụng từ ngày 6/11/2016. Sau 2 tháng áp dụng và triển khai ở các trường tiểu học, một số giáo viên, cán bộ giáo dục có những ý kiến đóng góp khác nhau.
Chỉ lấy kết quả cuối năm để đánh giá học sinh là chưa toàn diện
Cô giáo Trịnh Thanh Thoảng, trường Tiểu học Mạc Cửu, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho rằng, Thông tư 22 có sự thay đổi so với Thông tư 30 là giáo viên không phải viết nhiều hồ sơ khi đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư 22, nhiều giáo viên nhận thấy, bản đánh giá chất lượng học tập của học sinh chỉ có 1 bộ nhưng khi tổng kết năng lực của các em ở giữa học kỳ và cuối học kỳ I, II không đủ nội dung để nhận xét ở từng phẩm chất, môn học khác nhau. Để thuận tiện hơn cho giáo viên, Bộ GD-ĐT cần quy định việc đánh giá học sinh theo 3 năng lực và 4 phẩm chất nên xét chung.
Thông tư 22 về đánh giá học sinh Tiểu học chính thức được áp dụng từ ngày 6/11/2016 |
Tuy nhiên, cách thức đánh giá này chỉ là hỗ trợ để các em học tập tốt ở cuối năm mà không lấy đó làm căn cứ để xét học sinh lên lớp. Cả quá trình học của các em chỉ lấy kết quả cuối năm khiến việc đánh giá chưa được toàn diện.Điểm mới của Thông tư 22 là học sinh lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ I và II là rất tốt để tập cho các em quen dần với cách thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên khi bước vào cấp THCS.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh là dựa trên cả một năm học và xét lên lớp nên tổng hợp tất cả kết quả ở các bài kiểm tra, đánh giá.
Giáo viên vẫn cần tập huấn về cách ra đề thi
Cô Lê Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng trường Võ Thị Sáu, Hà Nội cho biết, việc ra đề thi học kỳ I năm học 2016-2017, nhà trường vẫn bám theo chuẩn kiến thức đánh giá học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng dựa vào chương trình học hiện tại gồm những phần giảm tải nào cũng như cách đánh giá học sinh theo 4 mức độ từ dễ đến khó nhằm phân hóa được các đối tượng học sinh để ra đề thi.
Trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, từng tổ chuyên môn của trường đã thống nhất với nhau và đề xuất lên ban giám hiệu quyết định dựa trên sự góp ý, điều chỉnh.
Để đánh giá học sinh theo đúng sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và sát với thực tế thì hiện nay, nhà trường vẫn cử cán bộ, giáo viên đi tập huấn về cách ra đề thi theo Thông tư 22.
Xung quanh việc ra đề thi, một cán bộ ở cơ sở giáo dục tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Thông tư 22 đã giúp cho giáo viên không phải ghi chép, đánh giá học sinh thường xuyên trên vở với số lượng học sinh tương đối lớn nữa mà chỉ đánh giá khi thực sự cần thiết.
Thế nhưng, Thông tư 22 có một số bất cập khi ra đề thi giữa học kỳ lại không ghi rõ là số lượng bao nhiêu câu hỏi trắc nghiệm, bao nhiêu câu hỏi tự luận ở các mức độ ra đề khó-dễ. Vì vậy, giáo viên sẽ rất khó ra đề thi để đánh giá học sinh theo các mức độ khác nhau từ mức cơ bản các em phải đạt được đến mức trung bình và phân loại học sinh khá, giỏi.
Thông tư 22 chính thức được áp dụng từ ngày 6/11. Để đánh giá khách quan việc học tập của học sinh cấp Tiểu học có đúng với năng lực thực tế cũng như giảm tải được “bệnh thành tích” hay không thì còn phải có sự nhìn nhận, tổng kết, đánh giá khách quan từ các trường học ở các địa phương./.