Một học sinh “gánh” 3 cuốn học bạ
3 thông tư, 3 cuốn học bạ
Chị Hoàng Hồng (Quảng Bình) năm nay có con tốt nghiệp cấp tiểu học. Hiện, các con chị có hai cuốn học bạ khác nhau. Còn một cuốn nữa từ trước đó, tức từ thời Thông tư 32/2009, do khá lâu nên chị không còn nhớ rõ lắm về hình thức.
Chị Hồng cho biết, mặc dù học bạ không đắt đỏ nhưng việc thay đổi cách đánh giá học sinh liên tục khiến phụ huynh không kịp cập nhật. Đặc biệt, nếu giáo viên cất giữ không cẩn thận, học sinh có thể thất lạc một trong 3 cuốn học bạ trên thì rất phiền phức.
Được biết, năm 2009, việc đánh giá tiểu học được thực hiện theo Thông tư 32 (T32/2009), với việc xếp loại giáo dục theo 4 mức giỏi, khá, trung bình, yếu.
Năm 2014, TT30/2014 được ra đời với phương châm không so sánh học sinh này với học sinh khác. Thông tư số 30 được ban hành, và có hiệu lực vào tháng 11/2014.
Suốt 2 năm thực hiện thông tư 30, nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh kêu ca về việc quá tải cho giáo viên khi ghi sổ sách cuối năm. Nhiều người phải trắng đêm để viết nhận xét, thậm chí phải tham khảo đến cả “ngân hàng nhận xét” trên mạng để câu từ phong phú hơn và đỡ mất thời gian. Về phía học sinh, nhiều em không hứng thú học tập, phụ huynh không nắm được con mình đang thụt lùi hay tiến bộ vì kiểu nhận xét chung chung, cho có do giáo viên không thể đủ thời gian nhận xét chi tiết.
Một học sinh, "gánh" 3 cuốn học bạ theo 3 thông tư đánh giá học sinh (ảnh: M.Q) |
Trước những bất cập đó, ngày 6/11, Thông tư 22/2016 chính thức có hiệu lực thay thế Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Cụ thể, thay vì có 5 loại như trước đây, giờ đây sẽ chỉ có Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
Việc ra đời các thông tư sẽ không có gì đáng nói nếu mỗi lần thông tư mới ban hành, không kèm theo mẫu học bạ mới. Cụ thể, học bạ của TT32/2009, học bạ của TT30/2014, học bạ của TT22/2016.
Mỗi lần chuyển trường, “ôm” theo 3 học bạ
Cô T., một giáo viên tiểu học, đồng thời cũng là một phụ huynh của hai con đang học phổ thông cho hay, nếu trước đây học sinh chỉ có một học bạ ghi kết quả học tập cuối năm nhưng hiện nay, có em “gánh” đến 3 cuốn học bạ.
Ngoại trừ học bạ theo TT32 trước đây, học bạ theo TT30/2014 cũ ghi kết quả học tập cuối kì và cuối năm. Còn theo tập huấn mới về TT22/2016 vừa được triển khai về trường của cô T. vào ngày 17/1 vừa qua, giáo viên không ghi kết quả kỳ I mà quay lại như thời kì ban đầu, chỉ ghi kết quả học tập cuối năm để đỡ trùng việc cho giáo viên.
Mẫu học bạ mới nhất theo TT22/2016 mà giáo viên vừa được tập huấn (ảnh: M.Q) |
Cô T. cho biết thêm, học bạ mới nhất theo TT22/2016 mà nhà trường mới tập huấn có mẫu gần giống như cuốn đầu tiên. “Mình chưa hiểu nhà trường sẽ in thêm một tờ nữa để kẹp vào học bạ của thông tư 30/2014 hay in thành cuốn riêng nhưng rõ ràng cách ghi học bạ theo TT22 có khác.Theo đó, giáo viên tự điều chỉnh các mục cho phù hợp để ghi như: Kẻ thêm cột “mức đạt được”, hoặc bớt một số mục ở những trang gần cuối…”, cô T nói.
Cũng theo một giáo viên xin giấu tên tại Hà Nội, đồng ý việc đổi mới giáo dục sẽ mang lại diện mạo mới cho việc đánh giá học sinh ở cấp phổ thông- đặc biệt là cấp tiểu học. Tuy nhiên, một học sinh phải “gánh” trên lưng 3 cuốn học bạ quả không khoa học cho giáo viên khi ghi chép. Mỗi lần thay đổi thông tư, giáo viên lại thêm một lần tập huấn cách ghi mới, vừa mất thời gian vừa khá tốn kém cho phụ huynh học sinh khi phải mua học bạ theo yêu cầu phù hợp với thay đổi.
“Mỗi học sinh “gánh” trên lưng 3 cuốn học bạ, bình thường thì không sao nhưng học bạ do nhà trường giữ. Nếu một học sinh chuyển trường, các em phải “ôm” cùng lúc 3 cuốn. Đấy là chưa kể trường hợp giáo viên cất giữ không cẩn thận, nếu thất lạc một trong 3 cuốn trên thì quả thật rất phiền phức”, giáo viên này cho biết.